ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC CUNG - CẦU LAO ĐỘNG NĂM 2021 VÀ NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG NĂM 2022

  • 21/01/2022
  • 2587

Năm 2021, kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả, Trung tâm dịch vụ việc làm Đắk Lắk đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đã thu được những kết quả tích cực. Sau đây, Trung tâm tổng hợp kết quả, phân tích, đánh giá công tác cung – cầu lao động trong năm 2021 như sau:

1. Tổng quan về cung – cầu lao động

1.1. Trong Tỉnh

1.1.1. Cầu lao động

Năm 20212.246 lượt đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình đăng ký tuyển dụng qua Trung tâm, giảm 10,94% so với năm 2020 (-276 lượt). Tuy nhiên, tổng nhu cầu tuyển là 32.119 lượt người, tăng 13,42% so với năm 2020 (+3.801 lượt). Trong đó, tăng mạnh ở nhu cầu tuyển trình độ cao đẳng (+21,53%), kế đến là lao động phổ thông (+20,41%) và giảm ở nhu cầu tuyển các trình độ còn lại.

Trong năm 2021, Trung tâm đã thực hiện 2.255 lượt thu thập, khai thác thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 1.114 lượt đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với tổng nhu cầu tuyển là 12.611 người.

1.1.2. Cung lao động

Trong năm 2021, 2.941 lượt lao động đăng ký tìm kiếm việc làm, giảm 26,84% so với năm 2020 (-1.079 lượt). Đáng chú ý, lượng lao động đăng ký tìm kiếm việc làm giảm ở tất cả cấp trình độ; giảm mạnh nhất trình độ trung cấp (-46,53%).

1.1.3. Chắp nối cung – cầu lao động

Công tác chắp nối cung - cầu lao động cụ thể như sau: Trong năm 2021 Trung tâm đã giới thiệu 6.466 lượt lao động đến phỏng vấn tại các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, giảm 39,95% so với năm 2020 (-4.302 lượt), trong đó có 2.112 lao động có việc làm, giảm 49,62% so với năm 2020 (-2.080 lượt). 

1.2. Ngoại tỉnh và nước ngoài

1.2.1. Ngoại tỉnh

Trong năm 2021, có 80 lượt đơn vị, doanh nghiệp ngoại tỉnh đăng ký tuyển dụng lao động tại Trung tâm với tổng nhu cầu tuyển là 15.985 lượt người, tăng 5,87% so với năm 2020 (+866 lượt). Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông làm việc trong các ngành như may mặc, giày da, nông sản, thủy sản, nội thất, điện tử,…

Trung tâm đã tích cực tư vấn, giới thiệu việc làm ngoại tỉnh và đã có 159 người đi làm việc ở ngoại tỉnh, giảm 70,28% so với năm 2020 (-376 lao động).

1.2.2. Nước ngoài

Trong năm 2021, Trung tâm đã tư vấn xuất khẩu lao động cho 1.466 lượt người, tăng 46,89% so với năm 2020 (+468 lượt), giới thiệu 29 lao động đến phỏng vấn tại các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, giảm 73,87% so với năm 2020 (-82 lao động) và kết quả có 25 lao động đã xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài, giảm 3,85% so với năm 2020 (-01 lao động). Lao động có nhu cầu đi làm việc tập trung chủ yếu ở các thị trường là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.

2. Đánh giá tình hình tuyển dụng, tìm kiếm việc làm và kết quả chắp nối cung - cầu lao động

2.1. Nhu cầu tuyển dụng

Trong năm 2021, có 2.246 lượt đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tại Trung tâm với tổng nhu cầu tuyển là 32.119 người. Trong đó: Đại học: 698 người (2,17%); Cao đẳng: 1.338 người (4,17%); Trung cấp: 2.898 người (9,02%); Bằng nghề: 400 người (1,25%); Lao động phổ thông: 26.785 người (83,39%). Nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu lao động phổ thông.

Nhu cầu tuyển dụng lao động trong năm 2021 chia theo ngành kinh tế cụ thể như sau: Công nghiệp - Xây dựng: 17.736 người, chiếm 55,22% tổng nhu cầu tuyển; Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 4.465 người, chiếm 13,90% tổng nhu cầu tuyển; Dịch vụ: 9.918 người chiếm 30,88% tổng nhu cầu tuyển.

2.2. Nhu cầu tìm kiếm việc làm

Trong năm 2021, 2.941 lượt người nộp hồ sơ tìm việc làm tại Trung tâm, chia theo tỷ lệ cụ thể như sau: Đại học: 853 hồ sơ (29,00%), Cao đẳng: 424 hồ sơ (14,42%), Trung cấp: 277 hồ sơ (9,42%), Bằng nghề: 261 hồ sơ (8,87%), Lao động phổ thông: 1.126 hồ sơ (38,29%). Lao động nộp hồ sơ nhiều nhất là lao động phổ thông.

Lao động nộp hồ sơ tại Trung tâm chia theo lĩnh vực đào tạo cụ thể như sau: Kinh tế - Xã hội: 571 hồ sơ (19,42%), Khoa học tự nhiên: 163 hồ sơ (5,54%), Kỹ thuật - Công nghệ: 348 hồ sơ (11,83%), Nông - Lâm - Thủy sản: 149 hồ sơ (5,07%), Y tế - Môi trường: 201 hồ sơ (6,83%), Dịch vụ: 383 hồ sơ (13,02%) và chưa qua đào tạo: 1.126 hồ sơ (38,29%).

2.3. Kết quả chắp nối cung – cầu lao động

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và bùng phát mạnh mẽ vào những tháng cao điểm sản xuất – kinh doanh, dẫn đến nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp, tạm ngưng hoặc chấm dứt hoạt động (đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dịch vụ như: du lịch, khách sạn, nhà hàng, ăn uống, giải trí, thương mại,...). Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động trong năm 2021 lại tăng so với năm 2020, do sự phục hồi đột biến nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp phía nam vào 02 tháng cuối năm.

Cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc các địa phương trên cả nước áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, đã xuất hiện tâm lý e ngại nhiễm bệnh và phong tỏa phòng dịch từ cả người lao động lẫn người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, việc các cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giữ trẻ nói riêng phải tạm ngưng hoạt động liên tục đã tạo thêm gánh nặng theo dõi, chăm sóc con trẻ đối với phần lớn người lao động.

Trước tình hình nêu trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp với thực tế, bằng cách: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thu thập thông tin thị trường lao động; tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách về việc làm, xuất khẩu lao động, dạy nghề;... Kết quả đạt được như sau: Giới thiệu 6.466 lượt lao động đến phỏng vấn tại các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình (tỷ lệ giới thiệu việc làm trên tổng nhu cầu tuyển dụng là 20,13%); trong đó có 2.112 lượt lao động có việc làm (tỷ lệ có việc làm sau giới thiệu đạt 32,66%).

Bảng tổng hợp kết quả chắp nối cung – cầu lao động trong năm 2021

Nhu cầu tuyển dụng

/giới thiệu, cung ứng

Tổng cộng

Chia theo trình độ

Đại học

Cao đẳng

Trung cấp

Bằng nghề/ tay nghề

Lao động phổ thông

Nhu cầu tuyển dụng năm 2021

32.119

698

1.338

2.898

400

26.785

Số lượng hồ sơ ứng viên

nộp tại Trung tâm năm 2021

2.941

853

424

277

261

1.126

Số lượt hồ sơ lao động

được giới thiệu năm 2021

6.466

1.780

978

775

441

2.492

Hồ sơ lao động được

tuyển dụng năm 2021

2.112

463

257

290

141

961

3. Nhận định xu hướng cung - cầu lao động năm 2022

Trong bối cảnh chương trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nói chung và chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngày càng phát huy hiệu quả, tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022. Với bước đệm là nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông tăng đột biến trong 02 tháng cuối năm 2021, triển vọng tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng các trình độ khác trong năm 2022 là rất cao.

Trên nền tảng người lao động đang dần thích ứng với dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, nhu cầu tìm kiếm việc làm trong năm 2022 được dự báo sẽ phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ (du lịch, khách sạn, nhà hàng, ăn uống, giải trí, thương mại,....). Nhu cầu tìm kiếm việc làm ngoại tỉnh tiếp tục sôi nổi tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh,Nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài sẽ gia tăng và tập trung chủ yếu ở các thị trường uy tín như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, thị trường lao động năm 2022 vẫn còn một số điểm nghẽn đó là: tâm lý người lao động tâm lý chờ qua Tết mới bắt đầu trở lại thành phố, tìm công việc dài hạn khá phổ biến; yêu cầu giãn cách của các địa phương khác nhau làm cho người lao động do dự trong việc đi làm lại; sau thời gian dài mất việc làm thì chi phí và điều kiện sinh hoạt trong thời gian làm quen công việc mới tạo áp lực cho người lao động;... góp phần làm "lệnh pha" cung – cầu thị trường lao động.

Từ thực tế nêu trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường áp dụng các giải pháp về công nghệ thông tin cũng như tuyên truyền như: sử dụng mạng xã hội, phỏng vấn trực tuyến, sàn giao dịch việc làm trực tuyến,... để gắn kết người lao động với doanh nghiệp.

                             TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM ĐĂK LĂK