Phục hồi thị trường lao động đảm bảo an sinh xã hội

  • 07/01/2022
  • 3629

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam phục hồi tiến tới đạt được các mục tiêu về lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

Theo Cục Việc làm, từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu lao động. Số lao động bị ảnh hưởng trong các quý là 9,1 triệu người trong quý I/2021; 12,8 triệu người trong quý II/2021 và tới hơn 28,2 triệu người trong quý III/2021. Trong Quý III/2021 tình hình nghiêm trọng nhất với 4,7 triệu lao động bị mất việc; 14,7 triệu lao động phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Phục hồi thị trường lao động đảm bảo an sinh xã hội
Ngành Lao động sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm phục hồi và phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại. Ảnh minh họa.

Hầu hết những lao động bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi chiếm 73,3%. Thất nghiệp đã dẫn đến tiền lương, thu nhập giảm, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.Thu nhập bình quân tháng của người lao động chỉ còn là 5,2 triệu đồng (quý III/2021), giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với tình trạng thất nghiệp, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến thị trường lao động có sự dịch chuyển lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động tạm thời và áp lực giải quyết việc làm tại chỗ, nhất là thời điểm giáp Tết.

Trước thực tế này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp người lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68, Quyết định 23, Nghị quyết 116 và triển khai rất quyết liệt, qua đó đã góp phần tích cực, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm và thị trường lao động.

Theo đó, người sử dụng lao động đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; hỗ trợ tiền mặt cho hộ kinh doanh.

Đối với người lao động cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ người lao động ngừng việc; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Có thể nói, việc tham mưu xây dựng chính sách kịp thời, cơ bản hỗ trợ được người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch. Các gói hỗ trợ đã được ban hành kịp thời, phù hợp với diễn biến, ảnh hưởng của dịch bệnh và tương đồng với cách tiếp cận của nhiều quốc gia trên thế giới.

Từng bước phục hồi và phát triển hiệu quả thị trường lao động

Dự báo về tình hình lao động, việc làm năm 2022, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam phục hồi tiến tới đạt được các mục tiêu về lao động, việc làm, an sinh xã hội. Tuy nhiên, dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, khó kiểm soát ở một số địa bàn làm cho khả năng phục hồi và phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở một số khu vực.

“Dự báo trong năm 2022 với kịch bản khả quan nhất thì đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến hơn 5 triệu lao động, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong khi tại các tỉnh, thành phố dư cung lao động lại thiếu việc làm” - ông Vũ Trọng Bình nhận định.

Ông Vũ Trọng Bình cho biết, mục tiêu ngành Lao động đặt ra trong năm tới là từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động; phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập nhằm thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực để phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung trong thời gian tới.

Các mục tiêu cụ thể về lao động - việc làm mà ngành Lao động đặt ra trong năm 2022 là tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%; hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh; đặc biệt hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc; kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phát triển thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người lao động để kết nối việc làm thành công, hỗ trợ tìm việc làm bền vững cho người lao động; thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu kịp thời phục vụ hoạt động kết nối cung - cầu lao động; tạo môi trường điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi thông tin về lao động, việc làm…/.

6 nhiệm vụ phục hồi và phát triển thị trường lao động

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định 1405 về Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển lao động, trong đó có nhấn mạnh đến 6 nhiệm vụ chính. Đó là: nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc; hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển lao động; hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung - cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ; phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là sẽ tập trung bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ lao động, hòa giải viên, trọng tài viên để giải quyết kịp thời tranh chấp lao động và đình công. Ngoài ra, quan hệ lao động trong doanh nghiệp cũng sẽ được chủ động nắm bắt.

Tú Anh

theo laodongthudo.vn