“Có thể không thiếu lao động trầm trọng vào quý IV”

  • 13/10/2021
  • 4014

Việc thiếu hụt trầm trọng lao động trong quý IV và những năm tiếp theo có thể sẽ không xảy ra do doanh nghiệp chưa thể sản xuất ồ ạt trở lại.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng, với hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập, hàng triệu người mất việc làm, cắt giảm thu nhập, cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động trở nên khó khăn.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), cho biết thông tin trên tại cuộc họp báo về tình hình lao động, việc làm quý III và chín tháng năm 2021 vào ngày 12-10.

“Có thể không thiếu lao động trầm trọng vào quý IV” - ảnh 1
Giãn cách xã hội kéo dài trong ba tháng đã ảnh hưởng trầm trọng thị trường lao động. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ngành xây dựng và dịch vụ ảnh hưởng trầm trọng

Tính riêng trong quý III -2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong đó, có 4,7 triệu người mất việc; 14,7 triệu người phải tạm ngừng; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu người bị giảm thu nhập.

Về lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 49,1 triệu người, giảm 2 triệu người so với quý trước. Lực lượng lao động ở khu vực nông thôn giảm 1,4 triệu người, khu vực thành thị giảm 583.000 người…

Giãn cách xã hội kéo dài trong ba tháng đã làm ảnh hưởng trầm trọng thị trường lao động tới ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ, số lao động trong hai ngành này đều giảm mạnh chưa từng có.

Trong khi đó, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng lên, trái ngược với những xu hướng trước đây, chủ yếu do lao động mất việc làm tại các tỉnh, thành phía Nam trở về địa phương.

Theo thống kê, số lao động việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 657.000 người so với cùng kỳ năm trước. Trong chín tháng năm 2021, có khoảng 1,3 triệu người trong độ tuổi thiếu việc làm phải trở về quê, tăng 187.200 người so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Mức thu nhập trên cũng thấp hơn đáng kể so với quý II-2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý II-2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

1,3 triệu người lao động về quê

Nói thêm về con số khoảng 1,3 triệu người lao động về quê thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, thông tin trong số này có 34% là người đang làm việc, 38% người không có việc làm, số còn lại là không có nhu cầu làm việc do e ngại rủi ro dịch bệnh.

Về con số 4,7 triệu người mất việc làm được chia làm ba nhóm: Nhóm tiếp tục tìm kiếm việc làm; nhóm bắt buộc rời thị trường và nhóm chấp nhận làm việc trong khu vực phi chính thức, khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản.

Trước lo ngại về tình trạng người lao động về quê do mất việc, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, bà Mai cho biết qua một khảo sát về tình trạng thiếu người lao động do tác động của dịch COVID-19 đối với hơn 22.000 doanh nghiệp trên toàn quốc thì có 17,8% doanh nghiệp cho rằng đang bị thiếu hụt lao động, tỉ lệ thiếu hụt lao động cao nhất ghi nhận ở vùng Đông Nam bộ với 30,6%. Đặc biệt, ở một số ngành như điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tỉ lệ thiếu hụt lên tới 55,6%, sản xuất trang phục 49,2%, thiết bị điện 44%, dệt 39,5%...

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định chúng ta đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục thu hút người lao động theo chính sách mở cửa của Nhà nước, sản xuất tới đâu sẽ cung cầu ở đó. Do đó, việc thiếu hụt người lao động trầm trọng trong quý IV và những năm tiếp theo có thể sẽ không xảy ra, vì doanh nghiệp chưa thể sản xuất ồ ạt như giai đoạn trước.•

Lượng người lao động trở về quê do ảnh hưởng của dịch bệnh rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.

Người lao động đã ra đi, khi kéo trở lại không hề dễ dàng, hoặc quay trở lại cũng ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Vì vậy, cần sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và doanh nghiệp để có chính sách phù hợp, hỗ trợ, bảo đảm cho cuộc sống người lao động mới có thể thu hút họ trở lại làm việc.

PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

theo plo.vn