Xuất khẩu lao động là lựa chọn phù hợp, hấp dẫn lúc này

  • 10/09/2021
  • 2868

Dịch bệnh khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao nhưng cơ hội ra nước ngoài làm việc lại rộng mở với người lao động

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 41.383 lao động, trong đó có 14.912 lao động nữ. Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 19.300 lao động, Nhật Bản đứng thứ 2 với 18.819 lao động. Đáng chú ý, Hàn Quốc, Romania, Hungary hay cả Singapore vẫn đều đặn tiếp nhận lao động Việt Nam. Số liệu thống kê gần đây cho thấy trong tháng 7 - tháng mà dịch bùng phát khắp cả nước - vẫn có 781 lao động Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài làm việc.

Vạch sẵn lộ trình nghề nghiệp

Tuyển dụng, phỏng vấn 204 nam và 564 nữ đi làm việc tại Nhật Bản trong tháng 9-2021. Đó là kế hoạch tuyển dụng mà Công ty TNHH Esuhai (quận Tân Bình, TP HCM) phải thực hiện để cung cấp người lao động (NLĐ) cho các đối tác tại Nhật Bản. Với mức lương từ 28 đến 38 triệu đồng mỗi tháng chưa tính phụ cấp, hàng trăm cơ hội việc làm tốt như thế này đang chờ đón NLĐ Việt Nam tại đất nước mặt trời mọc. "Đây là cơ hội cho nhiều bạn trẻ đang có dự định sang Nhật làm việc, đặc biệt là với những lao động mất việc vì dịch bệnh" - ông Trần Văn Khánh, Trưởng Bộ Phận phát triển nguồn nhân lực Công ty TNHH Esuhai, nói.

Đồng hành với NLĐ chính là trọng tâm hoạt động của Công ty TNHH Esuhai. Ngay từ đầu, NLĐ sẽ được tư vấn, định hướng nghề nghiệp để phát huy được thế mạnh của mình cho những đơn hàng phù hợp nhất. "Chúng tôi có sẵn lộ trình cho NLĐ với một kế hoạch rõ ràng cho từng giai đoạn. Giai đoạn học tiếng và kỹ năng tại Việt Nam sẽ như thế nào, giai đoạn từng năm làm việc tại Nhật Bản sẽ ra sao để NLĐ nắm rõ nhất đường sự nghiệp của mình. Mục tiêu chúng tôi hướng đến là một khi NLĐ chọn sang Nhật Bản làm việc sẽ học được nhiều kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp cũng như tích lũy được một khoản tiền cho tương lai" - ông Khánh cho biết.

Cũng theo ông Khánh, khi hết hạn hợp đồng trở về nước, NLĐ sẽ được giới thiệu những vị trí việc làm tương xứng trong các công ty có vốn Nhật Bản tại Việt Nam, có thể là: chuyền trưởng, quản lý, trưởng phòng, tổ trưởng... với mức lương từ 25 triệu đồng mỗi tháng trở lên.

Tương tự, Công ty TNHH Nhật Huy Khang (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng đang tuyển hàng trăm vị trí với đa dạng ngành nghề đi kèm mức thu nhập hấp dẫn đang chờ đón NLĐ tại Nhật Bản. Ngay tại thời điểm này, công ty đang tuyển hơn 1.000 NLĐ cho các ngành: đúc nhựa, dập kim loại, sơn kim loại, vật liệu xây dựng, bảo trì máy, chế biến thực phẩm, thiết bị điện, thủy sản...

Xuất khẩu lao động là lựa chọn phù hợp, hấp dẫn lúc này - Ảnh 1.

Các ứng viên của Công ty Nhật Huy Khang phỏng vấn trực tuyến với nghiệp đoàn Nhật Bản

Nhiều lựa chọn

Đại diện Công ty TNHH Nhật Huy Khang cho biết Nhật Bản vẫn dành nhiều ưu ái cho lao động Việt Nam bởi thực tế đã chứng minh NLĐ Việt Nam làm việc rất tốt, không thua kém gì người Nhật. Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản cũng tăng lên nhanh chóng khiến cho "sắc màu" Việt Nam hiện diện khắp nơi. Nhiều lao động trẻ người Việt cũng đã được vinh danh tại Nhật và đó là cơ sở để lao động Việt thêm tự tin để thành công.

Hiện nay, phía Nhật Bản không quá khắt khe với những tiêu chuẩn về ngoại hình, thủ tục cũng đơn giản hơn trước đây, đặc biệt ngành nghề lại mở rộng đa dạng hơn trước. Đó chính là cơ hội tốt cho lao động Việt thỏa sức chọn lựa và sang Nhật làm việc. Với mức thu nhập tương đối tốt từ 30 đến 40 triệu đồng, trừ chi phí ăn ở thì NLĐ nếu biết tiết kiệm, sau khi kết thúc hợp đồng, khoản tiền dành dụm được có thể giúp NLĐ về nước khởi nghiệp hoặc có thể đến một nước khác để tiếp tục sự nghiệp. Ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động Mai Linh (trực thuộc Công ty TNHH Hợp tác Quốc tế Mai Linh; quận 7, TP HCM), cho biết khó khăn lớn nhất lúc này là các chuyến bay. Còn lại mọi thứ có thể bảo đảm được từ khâu tuyển chọn lao động, dạy tiếng cho đến các thủ tục đều có thể làm trực tuyến. Các nghiệp đoàn là đối tác của trung tâm gần như ngày nào cũng lên lịch phỏng vấn trực tuyến và liên tục gửi thông báo tuyển dụng đơn hàng mới. "Kể từ khi đại dịch bùng phát, phía Nhật Bản không thường xuyên qua tuyển chọn và phỏng vấn trực tiếp nhưng họ làm trực tuyến rất tốt. Họ biết chọn những đối tác tin cậy để hợp tác và nhiều đoàn thực tập sinh của Mai Linh đã sang Nhật ngay cả trong mùa dịch, tất cả đều thực hiện trực tuyến nhưng lại rất chặt chẽ và thành công" - ông Bình nói.

Như vậy, có thể thấy rằng dịch bệnh bùng phát khiến mọi thứ đình trệ nhưng hoạt động xuất khẩu lao động vẫn tiến triển tốt; số lượng có thể ít hơn nhưng chất lượng vẫn rất bảo đảm. NLĐ vẫn có thể tham gia đơn hàng dù đang thực hiện giãn cách xã hội. Khi đủ điều kiện về tiếng, đào tạo cơ bản là NLĐ có thể bay sang Nhật làm việc bình thường. 

Chọn công ty uy tín

"NLĐ đang có ý định tham gia các chương trình thì nên lạc quan vào một tương lai kiểm soát tốt dịch bệnh của chính phủ các nước, đặc biệt khi việc tiêm vắc-xin được bao phủ trên diện rộng. Từ đó chuẩn bị một tâm thế thoải mái để chọn đúng công ty phái cử có uy tín cũng như các chương trình đi làm việc nước ngoài chất lượng, an toàn. Trong khi chờ xuất cảnh, NLĐ cần tận dụng thời gian này để trau dồi thêm ngoại ngữ, tay nghề, tác phong, nâng cao năng lực, luôn trong trạng thái tốt nhất và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu công việc từ chủ sử dụng lao động" - ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, một chuyên gia xuất khẩu lao động, lưu ý.

Theo nld.com.vn