THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG SAU DỊCH COVID-19: Nhiều tín hiệu lạc quan

  • 13/08/2021
  • 2947

Người lao động cần chọn lựa ngành nghề phù hợp với nhu cầu bản thân, học tập và rèn luyện thật tốt ngoại ngữ, kỹ năng, tay nghề

Đại dịch Covid-19 đã làm biến đổi nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Có ngành đối mặt với nguy cơ khủng hoảng trầm trọng nhưng cũng có ngành đón nhận cơ hội thuận lợi chưa từng có để phát triển mạnh mẽ hơn. Dù gặp khủng hoảng trong đại dịch, song hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài lại xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan.

Thay đổi nếp nghĩ của người lao động

Tỉ lệ thất nghiệp do dịch Covid-19 tăng cao nên rất nhiều người lao động (NLĐ) có nhu cầu tìm kiếm việc làm cả trong và ngoài nước. Với thị trường lao động ngoài nước, tâm lý e dè là điều không thể tránh khỏi với NLĐ do những rào cản về di chuyển, học ngoại ngữ, phỏng vấn online. Vì thế, họ đang có xu hướng tìm đến những công ty có các giải pháp đào tạo mới nhằm khắc phục những trở ngại này.

THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG SAU DỊCH COVID-19: Nhiều tín hiệu lạc quan - Ảnh 1.

Thực tập sinh Việt Nam thực hành tay nghề chế biến thực phẩm

Lực lượng thanh niên trẻ hiện nay rất quan tâm tới vấn đề khởi nghiệp. Việc đi lao động nước ngoài không còn mang mục đích kiếm tiền đơn thuần như trước, mà còn lồng ghép nhiều mục đích đặc biệt khác như đi học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp trong tương lai gần. Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải chật vật xoay xở để tồn tại và duy trì đội ngũ nhân sự chuyên môn. Tuy nhiên, số đông DN vẫn giữ sự lạc quan, chuẩn bị các hồ sơ cần thiết, phương án tiêm vắc-xin cho NLĐ trước xuất cảnh, xây dựng chiến lược phối hợp với đối tác. Tất cả đang trong trạng thái sẵn sàng, chờ "tín hiệu" mở cửa của chính phủ các nước để triển khai ngay. Bên cạnh những tác động tiêu cực, Covid-19 lại vô tình trở thành một "bộ lọc" để loại bỏ những DN hoạt động bát nháo vốn làm méo mó hình ảnh thị trường trước đây. Từ đó, tạo thêm điều kiện thuận lợi để các DN uy tín duy trì hoạt động và mở rộng các kế hoạch kinh doanh. Anh Thiệu Huỳnh Ngọc Đồng (28 tuổi, ngụ TP HCM) từng là một thực tập sinh ngành gia công cơ khí ở tỉnh Mie - Nhật Bản. Với vốn tiếng Nhật và những kỹ năng tích lũy được, sau khi về nước, anh được một công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) có tiếng mời về làm việc. Là người thấu hiểu tâm lý NLĐ, anh Đồng chia sẻ: "Trước đây, NLĐ thích các đơn hàng đáp ứng tiêu chí việc nhẹ lương cao mà ít quan tâm tới những yếu tố giá trị khác, ví dụ như điều kiện học tiếng Nhật, quy mô và trình độ kỹ thuật của xưởng làm việc hay cơ hội để nâng cao kỹ năng nghề. Nhưng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách nghĩ của họ. Các DN phái cử hiểu rõ điều này, do vậy sẽ phải thu hút NLĐ bằng việc cung cấp những thông tin mang lại giá trị dài hạn, thay vì chỉ tư vấn về tiền lương và điều kiện làm việc".

Coi trọng chất lượng

Covid-19 đã làm cho nhiều DN ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan phải tạm dừng hoạt động hoặc bị phá sản. Thị trường tuyển dụng lao động nước ngoài sắp tới, vì thế sẽ có sự giảm sút về mặt số lượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về XKLĐ, thị trường lại có sự gia tăng đáng kể về mặt chất lượng. "Cơ chế lọc" của dịch Covid-19 không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn cả ở các nước tiếp nhận lao động.

Thời gian gần đây, cơ quan quản lý của các nước cũng đã có nhiều chính sách nhằm siết chặt hơn nữa thị trường tiếp nhận lao động ngoài nước ở đất nước họ. Các DN tiếp nhận có điều kiện kinh tế kém, đối xử với NLĐ không đúng quy định, bị NLĐ tố cáo các hành vi xâm hại quyền lợi chính đáng, đã bị "tuýt còi" và nhận những hình thức xử lý phù hợp. Số lượng các DN đăng ký tuyển dụng lao động ngoài nước đang có xu hướng giảm nhưng chất lượng của từng DN đã được thể hiện rõ nét, tạo nên một hồ sơ (profile) ấn tượng hơn trong mắt đối tác và NLĐ. Số lượng các vị trí cần tuyển dụng giảm đáng kể nhưng lại tăng tính chuyên biệt trong các ngành nghề, giúp NLĐ dễ dàng chọn lựa hơn trước. Nhờ đó, DN tăng tỉ lệ chọn lựa đúng ứng viên mình đang thật sự cần, còn NLĐ thì giảm đáng kể những rủi ro gặp phải do tham gia đơn hàng không đúng năng lực bản thân.

Ông Hironobu Akase, kỹ sư của một công ty Nhật, nhìn nhận: "Tôi đánh giá cao khả năng của thực tập sinh người Việt bởi họ rất sáng tạo và có tinh thần cầu tiến. Hiện tại, công ty của tôi vẫn đang có nhu cầu tuyển thêm nhiều lao động ở các vị trí gia công, lắp ráp, đóng gói sản phẩm cơ khí. Sau đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa rồi, nhiều DN yếu kém của Nhật cũng đã bị thanh lọc. Vì thế, các bạn lao động có thể tự tin vào chất lượng của những DN có nhu cầu tuyển dụng sắp tới. Việc còn lại của các bạn là chọn lựa ngành nghề phù hợp nhu cầu của bản thân và học tập, rèn luyện thật tốt ngoại ngữ, kỹ năng, tay nghề". 

Hướng tới mục tiêu bền vững

Sau khi "Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" được Quốc hội thông qua và ký ban hành vào ngày 13-11-2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo cho thông tư hướng dẫn mới. Trong đó có nhiều đề xuất nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi NLĐ cũng như trao quyền tự định cho các DN. Ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, chuyên gia trong lĩnh vực XKLĐ, bày tỏ: "Trước đây, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thường quan tâm tới "4T": tiền, tiếng, tay nghề và tác phong. Trước dịch, nhiều NLĐ cho rằng tiền là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, NLĐ nhận ra rằng tiếng (ngoại ngữ), tay nghề và tác phong công nghiệp mới là những thứ có giá trị bền vững và sẽ đi theo họ trước những thay đổi của thị trường lao động. Các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương đã bổ sung nhiều quy định nhằm hỗ trợ xu thế này. Các DN phái cử cũng đã thay đổi mạnh mẽ cách thức tư vấn, đào tạo để giúp NLĐ hướng tới những mục tiêu mang lại giá trị dài hạn hơn".

Theo nld.com.vn