8 câu hỏi phỏng vấn trình dược viên phổ biến nhất

  • 16/07/2021
  • 2951

Trả lời các câu hỏi phỏng vấn trình dược viên một cách trôi chảy và tự tin là chìa khóa thành công để có được công việc kinh doanh dược phẩm mà bạn mong muốn. Vậy cụ thể bạn phải chuẩn bị trả lời các câu hỏi phỏng vấn nào?

Hãy tham khảo 8 gợi ý sau đây để có thêm sự tự tin và cho nhà tuyển dụng hiểu được lý do tại sao bạn phù hợp với vị trí trình dược viên này.

Chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn trình dược viên thường gặp sẽ giúp bạn trở thành ứng viên tiềm năng mà bất kỳ công ty nào cũng muốn có trong đội ngũ bán hàng của họ.

Điều gì khiến bạn ứng tuyển vào vị trí trình dược viên?

Có rất nhiều lí do để trả lời câu hỏi này. Bạn có thể nói rằng bạn có khả năng bán hàng, rằng bạn có mối quan hệ tốt trong giới bác sĩ và dược sĩ, hoặc về cơ bản bạn thích làm việc với các chuyên gia y tế và dễ dàng hòa hợp với họ.

Hoặc bạn cũng có thể nói rằng bạn thực sự thích sản phẩm chính của công ty, rằng bạn (hoặc ai đó mà bạn biết) đã dùng và tin vào tác dụng, nhờ đó bạn sẽ dễ dàng bán được hàng. Dù là cách này hay cách khác, hãy cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn không phải ứng tuyển chỉ vì một mức lương cao hoặc vì bạn không biết phải làm gì khác với kỹ năng bán hàng nổi trội của mình.

Bạn lên lịch ngày làm việc của mình như thế nào?

Tổ chức sắp xếp và lên kế hoạch là một trong những yếu tố quan trọng của một nhân viên kinh doanh giỏi. Vì vậy, đừng quên chuẩn bị trả lời các câu hỏi về cách tổ chức ngày làm việc của mình và lên kế hoạch liên hệ với đại diện của các cơ sở y tế.

Cụ thể, hãy giải thích cách bạn tiết kiệm thời gian, ví dụ như lên lịch các cuộc hẹn với các nhà thuốc trong cùng khu vực để không phải bận rộn chạy từ phía Đông sang phía Tây của thành phố. Bằng cách này bạn đã chứng tỏ khả năng lập kế hoạch và tổ chức của mình.

Các ví dụ khác bao gồm thảo luận về thói quen dậy sớm và các thiết bị tiết kiệm thời gian khác mà bạn sử dụng liên tục trong ngày. 

Bạn nghiên cứu một sản phẩm như thế nào?

Câu hỏi này được đặt ra nhằm khám phá khả năng và động lực của bạn để có được các thông tin đầy đủ về sản phẩm.

Có kiến thức sâu rộng là yếu tố quan trọng trong kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh dược phẩm, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn biết về các sản phẩm bạn sẽ bán trước khi tham gia buổi phỏng vấn trình dược viên.

Bạn có thể nghiên cứu trang web của công ty và kiểm tra các đánh giá trực tuyến về sản phẩm. Thể hiện sự hiểu biết tốt về sản phẩm của công ty là một cách chắc chắn để tạo ấn tượng tích cực trong cuộc phỏng vấn.

Nhiệm vụ khó khăn và thử thách nhất của một trình dược viên là gì?

Nhiệm vụ khó khăn nhất đối với một trình dược viên là thuyết phục các bác sĩ từ bỏ các nhãn hiệu cũ và thử nhãn hiệu mới. Vì vậy, bạn cần nói cho người phỏng vấn biết, bạn thực sự vượt qua vấn đề này như thế nào. Để trả lời, bạn có thể nói những điều như:

“Nhiệm vụ thách thức nhất đối với tôi là thuyết phục các bác sĩ kê đơn loại thuốc mới. Thực sự rất khó để khiến bác sĩ thay đổi loại thuốc mà họ đã lựa chọn trước đó. Tôi thường đến gặp các bác sĩ với đầy đủ tài liệu về thuốc và cho họ xem các bằng chứng khoa học. Trước khi làm được điều này, tôi đã tự nghiên cứu về loại thuốc mới và tìm hiểu xem nó tốt hơn thuốc của đối thủ cạnh tranh như thế nào”.

Trình dược viên khác với các nhân viên kinh doanh khác như thế nào?

Trong khi các trình dược viên và nhân viên kinh doanh khác có nhiều phẩm chất giống nhau như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình thì điều khiến họ khác biệt chính là kiến ​​thức lĩnh vực mà họ cần sở hữu.

Vì trình dược viên liên quan đến các vấn đề về dược phẩm nên họ cần phải biết rõ về cách thức hoạt động và tác dụng của một thành phần cụ thể, nó tốt hơn những thành phần khác thế nào. Đồng thời họ có thể thảo luận về các tình hình bệnh lý và giải pháp mang lại từ sản phẩm của họ với những người có liên quan.

Hãy tưởng tượng rằng doanh số bán hàng đang giảm và bạn phải vật lộn để đạt được mục tiêu. Bạn sẽ làm gì?

Liên tục bị từ chối và những ngày không bán được gì cũng như không thể gặp trực tiếp bất kỳ bác sĩ, dược sĩ nào là điều phổ biến ở công việc trình dược viên. Đó là một trong những lý do khiến tỷ lệ nghỉ việc trong lĩnh vực này khá cao và nhà tuyển dụng luôn cố gắng tìm hiểu xem liệu bạn có dễ dàng bỏ cuộc hay không.

Câu trả lời của bạn cần đảm bảo rằng bạn hiểu thất bại là điều thường xảy ra trong công việc và lời từ chối sẽ giúp bạn làm tốt hơn vào những lần sau. Bạn sẽ thử các chiêu thức và chiến lược bán hàng khác nhau nhưng bạn sẽ vẫn tiếp tục tiếp cận các khách hàng như thường lệ và cố gắng hết sức để chốt giao dịch. 

Bạn hỏi những câu hỏi nào để khám phá nhu cầu của khách hàng?

Mọi chi tiết bạn khám phá về khách hàng đều dựa vào những câu hỏi bạn đặt ra. Các nhà tuyển dụng không tìm kiếm câu trả lời đúng hay sai ở đây. Thay vào đó, họ cần bạn chia sẻ ngay một ví dụ. Điều quan trọng là bạn phải giải thích những thông tin bạn thu được từ việc đặt câu hỏi và cách bạn sử dụng những chi tiết đó.

Chẳng hạn, “Tôi luôn hỏi khách hàng về mục tiêu kinh doanh của họ. Điều này cho tôi biết họ đang cố gắng đạt được điều gì trong tương lai và kết nối sản phẩm của tôi với mục tiêu cuối cùng đó”.

Bạn có tin rằng điều quan trọng là phải biết khi nào nên ngừng theo đuổi khách hàng? Nếu vậy, khi nào bạn nên dừng lại?

Nhà tuyển dụng đang tìm kiếm các trình dược viên kiên trì nhưng họ không muốn một người mà sự kiên trì của họ sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức.

Hãy cho họ biết bạn hiểu rằng có một số khách hàng có thể không bao giờ mua hàng. Ví dụ bạn sẽ chọn ngừng theo đuổi họ khi bạn đã cố gắng liên lạc khoảng bốn lần mà không nhận được bất cứ phản hồi nào.

Để tạo ấn tượng hơn trong buổi phỏng vấn trình dược viên, bạn có thể nói rằng bằng cách dừng lại đúng lúc, bạn có nhiều thời gian hơn để tiếp xúc với nhiều khách hàng tiềm năng khác và chăm sóc tốt hơn cho các khách hàng hiện tại.

Theo https://www.careerlink.vn