Cần sớm sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp

  • 11/01/2021
  • 3145

Năm 2020, trong bối cảnh cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chính sách bảo hiểm (BH) thất nghiệp đã phát huy hiệu quả và là mối quan tâm đặc biệt của người lao động. Tuy nhiên, chính sách cũng còn nhiều bất cập khi chưa thật sự gắn bó với thị trường lao động, mới tập trung cho khu vực chính thức, nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế...

Trưởng phòng BH thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) TRẦN TUẤN TÚ (trong ảnh) đã có những trao đổi cùng Báo Nhân Dân về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Luật Việc làm sẽ được tiến hành sửa đổi trong thời gian tới. Ðồng chí có thể cho biết, những nội dung chính về BH thất nghiệp cần được tiến hành sửa đổi là gì?

Trưởng phòng Trần Tuấn Tú: Theo Nghị quyết số 125/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) được giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BH thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp; đào tạo nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động nhằm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ...

Hiện nay, Bộ LÐ-TB và XH và Cục Việc làm đang phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật về việc làm, BH thất nghiệp, tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về BH thất nghiệp để đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm.

PV: Vừa qua, Bộ LÐ-TB và XH đã đề xuất với Chính phủ dành khoảng  3.000 đến 5.000 tỷ đồng kết dư từ Quỹ BH thất nghiệp để đào tạo lực lượng lao động. Ðồng chí có thể nói rõ hơn về kế hoạch triển khai chương trình này?

Trưởng phòng Trần Tuấn Tú: Ðể tạo điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngày 31-3-2020, Bộ LÐ-TB và XH báo cáo và đề xuất Chính phủ cho phép người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 buộc phải thay đổi cơ cấu công nghệ, sản xuất, kinh doanh, có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ BH thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động đang làm việc tại đơn vị (không áp dụng quy định điều kiện hưởng hỗ trợ quy định tại khoản 2, khoản 3 Ðiều 3 Nghị định số 28/2015/NÐ-CP). Theo phương án trong đề xuất, dự kiến số lao động được hỗ trợ khoảng 1.000.000 người, ước tính số tiền được hỗ trợ là 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính sách này là cần thiết nhưng chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay do đang thực hiện cách ly xã hội, đề nghị chưa triển khai thực hiện và đề nghị thực hiện khi không còn cách ly xã hội.

Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình trạng dịch bệnh, hiện Bộ LÐ-TB và XH phối hợp các cơ quan, ban, ngành có liên quan và một số doanh nghiệp (như Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày và một số doanh nghiệp ngành dệt may, da giày) để đề xuất các giải pháp hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc đào tạo, đào tạo lại lao động trong quá trình cơ cấu lại đầu tư, đổi mới công nghệ và quản trị, thích ứng với môi trường kinh tế trong nước và quốc tế sau đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ BH thất nghiệp.

PV: Có không ít ý kiến cho rằng, mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn thấp dẫn đến tình trạng người lao động thất nghiệp chỉ muốn nhận trợ cấp và “thờ ơ” với học nghề. Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân và cần cải thiện như thế nào trong thời gian tới?

Trưởng phòng Trần Tuấn Tú: Theo báo cáo của các địa phương, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được hỗ trợ tổ chức học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng qua từng năm, đặc biệt từ sau khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành.

Năm 2015 có 24.363 người được hỗ trợ học nghề, năm 2017 có 28.537 người (tăng 17,2% so với năm 2015); năm 2019 số người được hỗ trợ học nghề là 41.906 người (tăng 72% so với năm 2015); 11 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tạm ngưng hoạt động (đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội) nên số người được hỗ trợ học nghề giảm (giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2019). Tính đến hết tháng 11-2020, tổng số người được hỗ trợ học nghề là hơn 251 nghìn người, với tổng chi là hơn 482 tỷ đồng.

Nếu so sánh với tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp thì số lượng người học nghề chưa cao, mà nguyên nhân chủ yếu là do: đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống khó khăn không có nguồn dự trữ hoặc hỗ trợ khác nên khi bị mất việc người lao động chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mức hỗ trợ học nghề hiện nay thấp (hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng) và thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng) nên chưa đáp ứng được một số nghề trình độ trung cấp trở lên. Mặt khác, tại một số địa phương, người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, ít cơ sở dạy nghề,...

Hiện nay, để tạo điều kiện cho người thất nghiệp tham gia học nghề, Bộ LÐ-TB và XH đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BH thất nghiệp, với mức hỗ trợ học nghề được nâng lên so với quy định hiện hành. Ngoài ra, Cục Việc làm cũng nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến chế độ hỗ trợ học nghề theo hướng nâng mức hỗ trợ, đa dạng các hình thức hỗ trợ, linh hoạt về thời gian hỗ trợ, cải tiến quy trình hỗ trợ học nghề bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính...; phối hợp các cơ quan liên quan để xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu của người sử dụng lao động; đẩy mạnh hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế về việc hỗ trợ học nghề cho người lao động nhằm tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BH thất nghiệp.

PV: Năm 2020, cả nước có khoảng 13,3 triệu người tham gia BH thất nghiệp, đạt khoảng 27% lực lượng lao động. Theo đồng chí, phải có những giải pháp nào để chính sách BH thất nghiệp có thể hỗ trợ người lao động tốt hơn nữa trong thời gian tới?

Trưởng phòng Trần Tuấn Tú: Tôi cho rằng, để việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp đạt hiệu quả trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Trong đó, tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BH thất nghiệp tại Luật Việc làm vào năm 2021- 2022 theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BH thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của BH thất nghiệp, bảo đảm BH thất nghiệp thật sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Ðồng thời, hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện BH thất nghiệp, bảo đảm tính liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan tổ chức thực hiện, chủ động phát huy giá trị cốt lõi của chính sách BH thất nghiệp là tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm; gắn kết giữa giải quyết các chế độ cùng với việc chi trả BH thất nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện... Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn và hỗ trợ việc làm. Ðây là hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất. Nghiên cứu, xem xét xây dựng mô hình chuẩn của trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện tốt các nhiệm vụ tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung cấp lao động và dạy nghề. Nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BH thất nghiệp...

PV: Cảm ơn những chia sẻ của đồng chí!

Nguyễn Khang - Báo Nhân dân (Thực hiện)