7 dấu hiệu cảnh báo trong thư mời làm việc

  • 04/01/2021
  • 3369

Sau nhiều buổi phỏng vấn, cuối cùng bạn cũng nhận được thư mời làm việc. Đó quả là một tin mừng, và bạn sẽ háo hức muốn được khởi động đi làm ngay.

Nhưng dù thế nào, bạn cũng đừng vội vàng, thay vào đó hãy cẩn thận đọc kỹ thư mời làm việc. Có những dấu hiệu cảnh báo đôi khi đòi hỏi bạn phải tinh ý để nhận ra và cân nhắc kỹ, nếu không muốn đối mặt với sự thất vọng về sau.

Dưới đây là 7 dấu hiệu cảnh báo trong thư mời làm việc bạn cần lưu ý.

Thông tin lương thưởng không rõ ràng

Thông thường, thư mời làm việc từ các nhà tuyển dụng ở Đà Nẵng, TPHCM hay Hà Nội đều sẽ cung cấp thông tin về mức lương, phúc lợi và tổng thu nhập của bạn. Nhưng nếu thư mời làm việc không nêu rõ mức lương và quyền lợi của bạn thì sao? Nếu bạn vẫn đồng ý, bạn có thể đồng ý làm việc với mức lương thấp hơn bạn mong đợi, hoặc thậm chí mất hoàn toàn một số quyền lợi nhất định.

Thông tin lương và đãi ngộ không rõ ràng là dấu hiệu cảnh báo về một công ty không tôn trọng nhân viên hoặc/và tính tổ chức kỷ luật kém.

Mức lương thấp hơn so với thỏa thuận

Điều gì sẽ xảy ra nếu thư mời làm việc liệt kê rõ ràng mức lương, nhưng nó ít hơn những gì mà nhà tuyển dụng đã đề cập trong cuộc phỏng vấn với bạn? Đó có thể là một dấu hiệu xấu. Nếu không có sự nhầm lẫn nào, thì rõ ràng công ty đang đối xử không trung thực với ứng viên.

Liệu bạn có thể tin được về sau - khi bạn làm việc ở đó -  công ty sẽ không có những hành động tương tự?

Nếu thư mời làm việc liệt kê mức lương chỉ thấp hơn một chút so với mức đã thỏa thuận, bạn có thể cảm thấy muốn ký hợp đồng. Tuy nhiên, dù là như vậy, bạn cũng nên liên hệ với công ty để hỏi lại cho rõ ràng sau đó hãy quyết định.

Thời gian thử việc

Nếu trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng nói rằng bạn có thể đi làm ngay sau khi trúng tuyển nhưng thư mời lại yêu cầu “thử việc hai tháng”, bạn hãy cân nhắc. Mặc dù yêu cầu ứng viên thử việc là điều các công ty vẫn thường làm, nhưng vấn đề là họ không giữ đúng cam kết như ban đầu. Trường hợp này cũng tương tự như trên, bạn nên hỏi kỹ lại nhà tuyển dụng và tùy theo câu trả lời của họ để có quyết định phù hợp, tránh vội vàng nhận lời để hối tiếc về sau.

Công việc không phù hợp với tiêu chuẩn giá trị của bạn

Nghề nghiệp của bạn là sáng tạo nội dung (content creator) và bạn được mời để sản xuất các sản phẩm quảng cáo cho lĩnh vực mà theo bạn là không hữu ích, không đem lại giá trị lành mạnh cho cộng đồng. Đây cũng là trường hợp mà bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng ta làm việc để có cuộc sống tốt đẹp hơn, chứ không chỉ để kiếm tiền. Nếu những gì bạn (sẽ) làm khiến bạn cảm thấy dằn vặt hoặc không thoải mái vì chúng không phù hợp với tiêu chuẩn giá trị của bản thân, liệu bạn có đủ động lực để duy trì và đáp ứng tốt công việc?

Bạn cảm thấy bị hối thúc

Khi nhận được thư mời làm việc, có khả năng bạn sẽ đồng ý ngay lập tức, nhưng cũng có thể bạn sẽ muốn dành ra vài ngày suy nghĩ trước khi đưa ra câu trả lời. Nếu công ty hối thúc bạn chấp nhận bằng cách quy định thời gian phản hồi là trong ngày hoặc chỉ một ngày sau khi nhận được email mời nhận việc, có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn. Khi kết hợp với các dấu hiệu tiêu cực khác, bạn có thể phát hiện ra công ty đang cố gắng tìm bất kỳ ai để “lấp vào chỗ trống” (do vị trí công việc đó có vấn đề), hoặc họ có thể đang thiếu nhân sự và cần bạn bắt đầu làm việc nhiều giờ ngay lập tức.

Nhập nhằng khi đề cập đến vai trò và trách nhiệm của bạn 

Trong trường hợp, bạn thấy chức danh hay nhiệm vụ được đề cập trong thư mời làm việc khác với chức danh được thảo luận trong cuộc phỏng vấn, bạn hãy hỏi lại nhà tuyển dụng cho rõ ràng. Sau khi có đầy đủ thông tin, nếu bạn thấy vị trí đó không phù hợp thì nên từ chối để tiếp tục tìm cơ hội khác.

Trực giác của bạn nói “không”

Nhận được thư mời làm việc, bạn cảm thấy nghi ngờ nhưng không biết chính xác tại sao. Nếu bạn nhận thấy bên trong mình đang có cảm giác bất ổn với cơ hội việc làm này, hãy cẩn thận. Trong nhiều trường hợp, rất khó để xác định chính xác điều gì đang khiến bạn do dự và đôi khi đó là sự tổng hợp của nhiều điều nhỏ nhặt. Nếu đúng như vậy, hãy dành một chút thời gian ngồi yên lặng và suy nghĩ xem những điều bạn đang lo lắng về công việc này là gì. Liệu chúng có quan trọng đến mức để bạn từ chối cơ hội, hay chỉ cần bạn cố gắng và rèn luyện chút ít là có thể thích nghi?

Tóm lại, trên đây là các dấu hiệu cảnh báo mà bạn không nên lờ đi khi nhận được thư mời làm việc. Trong một số trường hợp, bạn có thể thương lượng hoặc trao đổi lại với nhà tuyển dụng. Những trường hợp khác, bạn có thể cân nhắc thiệt – hơn nếu nhận hoặc không nhận lời và đi đến quyết định phù hợp nhất. Dù thế nào, bạn cũng nên biết trước những vấn đề được cảnh báo để tránh thất vọng về sau.

Theo nguoiduatin.vn