Trường nghề vẫn “sống” tốt

  • 04/01/2021
  • 3304

SVVN - Bất chấp dịch COVID-19 và các trường đại học đua nhau xét tuyển bằng học bạ, hàng loạt trường cao đẳng, trung cấp vẫn tuyển đủ chỉ tiêu. Nguyên nhân, các trường chú trọng công tác hướng nghiệp, tuyên truyền tại các trường THPT và THCS nên tuyển sinh rất hiệu quả.

Tuyển vượt chỉ tiêu

Theo ThS Dương Thị Tuyết Loan, Phó phòng Đào tạo trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP. HCM, năm nay trường tuyển 3.000 chỉ tiêu thì đến thời điểm này thí sinh nhập học đủ. Lý giải về việc này, bà Loan nói rằng, trong quá trình đi tư vấn, bà nhận thấy các bạn đã thay đổi suy nghĩ khá nhiều. Có nhiều thí sinh thích học cao đẳng để nhanh ra trường đi làm, sau đó nếu muốn thì học liên thông.

Trường nghề vẫn “sống” tốt - ảnh 1Hàng loạt trường cao đẳng, trung cấp vẫn tuyển đủ chỉ tiêu ở mùa tuyển sinh 2020.

Tương tự, trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TP. HCM cũng tuyển đủ chỉ tiêu cho bậc trung cấp, cao đẳng. TS Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hệ trung cấp tuyển sinh rất tốt, phải ngưng nhận hồ sơ từ sớm. Còn hệ cao đẳng thì có hàng ngàn thí sinh nộp hồ sơ từ đầu.

Tại trường CĐ Bách Việt, số thí sinh nhập học chỉ trong đợt 1 đã gần 50% chỉ tiêu. Nhiều thí sinh ngay từ đầu đã quyết định học cao đẳng nên không cần chờ để xét tuyển đại học mà nhập học luôn.

TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng trường CĐ Lý Tự Trọng nhận định, trường chú trọng công tác hướng nghiệp, tuyên truyền tại các trường THPT và THCS nên tuyển sinh rất hiệu quả. Hơn nữa, trong thời gian qua, có rất nhiều hoạt động về nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Sở Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. HCM tổ chức thu hút sự quan tân tâm của người học và doanh nghiệp như tôn vinh người có tay nghề xuất sắc, sinh viên, giáo viên giỏi trường nghề... Điều đó làm lan toả thông tin đến xã hội, làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh về đào tạo nghề.

“Song song với đó, các trường cũng chủ động liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra. Nhiều doanh nghiệp đến tận trường tuyển dụng với số lượng lớn, tạo sự an tâm cho người học về vấn đề việc làm sau tốt nghiệp", ông Lộc nói.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. HCM cho biết, tổng số thí sinh nhập học tại 57 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp và, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp là 338.783 học sinh, sinh viên, học viên, đạt gần 75% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, nhiều trường có số lượng đăng ký vượt bậc và đạt 100% chỉ tiêu như các trường: CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Kinh tế Đối ngoại, Lý Tự Trọng, Kinh tế Kỹ thuật TP. HCM, Công nghệ Thủ Đức, trung cấp Du lịch Khách sạn Saigon Tourist...

“Sở dĩ đạt được điều đó là các trường có nhiều đổi mới, sáng kiến trong tuyển sinh, đồng thời trong thời gian qua đã khẳng định được chất lượng đào tạo cũng như việc làm sau tốt nghiệp”, ông Lâm nói.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM nói thêm, những ngành nghề thu hút tuyển sinh năm 2020 tại các trường cao đẳng, trung cấp là Cơ khí, Điện tử, Công nghệ thông tin, Kế toán, Tài chính, Bảo hiểm...

Gắn đào tạo với doanh nghiệp

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, đến tháng 12/2020, cả nước có 1.907 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 400 trường cao đẳng (308 trường công lập), 463 trường trung cấp (230 trường công lập), 1044 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (689 trung tâm công lập). Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 1.227 (trong đó có 538 trường cao đẳng, trung cấp công lập).

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tổng hợp báo cáo kết quả tuyển sinh của các địa phương, năm 2020, cả nước tuyển được 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch năm.

Trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng đạt 580.000 người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác đạt 1,7 triệu người (đạt 101,2% kế hoạch năm).

Nếu tính cả giai đoạn 2016 - 2020, tuyển sinh đạt 11,077 triệu người (đạt 103% kế hoạch, tăng hơn 21% so với kết quả thực hiện giai đoạn 2011 - 2015), vượt kế hoạch được giao của giai đoạn 2016 - 2020.

Trường nghề vẫn “sống” tốt - ảnh 2Hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cũng ngày càng được quan tâm.

Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp đạt hơn 2,47 triệu người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt hơn 8,6 triệu người. Số lượng tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp đạt hơn 10,2 triệu người (đạt 108% kế hoạch). 

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, mặc dù có nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nhưng về cơ bản các hoạt động trong năm 2020 đã bảo đảm kế hoạch, góp phần thúc đẩy việc gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững. Cơ chế phối hợp 3 bên Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp tiếp tục đang phát triển và vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, với các hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cũng ngày càng được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, tạo điều kiện về nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm cho việc nghiên cứu, triển khai các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, năm 2020, hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đã được triển khai với nhiều giải pháp. Trong đó, đã kiện toàn tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, khai thác những giải pháp gắn kết đào tạo nghề với thị trường lao động với sự tham gia của doanh nghiệp.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chính phủ một số chính sách, phối hợp, tìm kiếm, hỗ trợ, thúc đẩy sự kết nối hệ thống giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đầu ra, thành lập các hội đồng kỹ năng ngành có sự tham gia của doanh nghiệp, đào tạo cán bộ trong doanh nghiệp, trang bị kỹ năng dạy học cho người làm công tác dạy nghề… Các doanh nghiệp nước ngoài đang dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng lớn, việc hợp tác với doanh nghiệp chính là khâu đột phá để phát triển nguồn nhân lực trình độ kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           QUẾ SƠN