Phát huy vai trò an sinh của bảo hiểm thất nghiệp

  • 28/12/2020
  • 3412

Sau hơn 11 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm (BH) thất nghiệp ở nước ta đã thực hiện tốt vai trò là “điểm tựa” cho người lao động khi mất việc làm. BH thất nghiệp đã chứng minh hiệu quả to lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi thời gian qua, đã hỗ trợ nhiều lao động mất việc làm, giúp người lao động có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường lao động nhanh hơn nhờ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí... Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) (BHXH Việt Nam) Đào Duy Hiện đã trao đổi cùng Báo Nhân Dân chung quanh việc phát huy vai trò an sinh của chính sách BH thất nghiệp.

Phóng viên (PV): Đồng chí có thể cho biết việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chính sách đã phát huy vai trò an sinh ra sao với người lao động?
 
 Phó Trưởng ban Đào Duy Hiện: Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có lĩnh vực của ngành BHXH. Trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp vô cùng khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, lưu trú, dịch vụ… Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đủ điều kiện theo quy định thì người lao động và chủ sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng. Thêm vào đó, số lao động thất nghiệp tăng cao, kinh tế khó khăn dẫn đến công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung, BH thất nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn.
 
 Tuy nhiên, với quyết tâm cao, toàn ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch Chính phủ giao trong năm 2020. Ước tính đến 31-12-2020, số người tham gia BH thất nghiệp đạt khoảng 13,27 triệu người, với số tiền thu đạt 18.056 tỷ đồng. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới việc làm của người lao động. Nghị quyết 42 đã tháo gỡ cho người lao động có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp. Đến ngày 31-12, số người thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp ước đạt khoảng 1,03 triệu, tăng 24% so cùng kỳ năm 2019; số tiền chi trả ước khoảng 16 nghìn tỷ đồng, tăng so cùng kỳ khoảng 33%; hỗ trợ học nghề giảm 50% so cùng kỳ 2019, chỉ khoảng 21 nghìn người.
 
 Có thể thấy, với vai trò quan trọng, chính sách BH thất nghiệp đã bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình của họ trong dịch bệnh, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.
 
 PV: Những năm qua, đặc biệt là trong 10 tháng năm 2020, số tiền chi trả BH thất nghiệp rất lớn. Đồng chí có thể cho biết nguồn quỹ này hiện được quản lý và vận hành như thế nào và hoạt động có thật sự hiệu quả khi nguồn kết dư còn khá lớn?
 
 Phó Trưởng ban Đào Duy Hiện:
 
 Về quản lý và sử dụng Quỹ BH thất nghiệp đã được quy định rõ trong Luật Việc làm. Trong đó, cụ thể được sử dụng chi trả các chế độ BH thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người hưởng BH thất nghiệp, chi phí quản lý được thực hiện theo Luật BHXH, đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ.
 
 Hoạt động đầu tư quỹ BH thất nghiệp được thực hiện bảo đảm nguyên tắc an toàn, hiệu quả, thu hồi được khi cần thiết, thông qua các hình thức mua tín phiếu, trái phiếu, đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu hơn 50% vốn điều lệ vay.
 
 Số dư quỹ BH thất nghiệp hiện nay còn lớn, lý do vì thời gian đầu chỉ có thu mà chưa có chi trả các chế độ BH thất nghiệp. Trong 5 năm đầu thực hiện chính sách, số người hưởng còn thấp, trong khi hỗ trợ hằng năm vào quỹ là 1% tiền lương người lao động tham gia BH thất nghiệp. Trong khi đó, mới chỉ thực hiện chi trả hai chế độ là trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề, các chế độ còn lại phát sinh ít.
 
 Với tốc độ tăng người hưởng BH thất nghiệp tăng đều qua từng năm, hiện nay, số tiền chi trả ngày càng tăng lên. Như năm 2020, ước số thu chỉ vừa đủ chi trả hai chế độ cho người lao động là trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề. Luật Việc làm điều chỉnh quy định hưởng quy định về ngân sách nhà nước hỗ trợ vào Quỹ BH thất nghiệp, thêm vào đó là Nghị quyết số 28-NQ/TW định hướng sửa đổi Luật Việc làm theo hướng tăng cường hỗ trợ phòng ngừa thất nghiệp cho người lao động (chế độ hiện nay chưa phát sinh người hưởng)…, thì trong tương lai, Quỹ BH thất nghiệp sẽ được sử dụng hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ và duy trì việc làm cho người lao động, sẽ không còn tình trạng kết dư lớn như hiện nay.
 
 Với tư cách là cơ quan thực hiện chính sách BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam thực hiện quản lý và sử dụng quỹ theo đúng quy định của pháp luật. Số dư quỹ được sử dụng đầu tư tăng trưởng, hằng năm có sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
 
 PV: Trong thời gian tới, để chính sách BH thất nghiệp hoạt động hiệu quả, ngành BHXH Việt Nam sẽ có những giải pháp gì để tăng cường việc chia sẻ, kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan liên quan, như: kế hoạch và đầu tư, lao động - thương binh và xã hội, thuế… với người sử dụng lao động và người lao động, thưa đồng chí?
 
 Phó Trưởng ban Đào Duy Hiện:
 
 Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, tới nay, BHXH Việt Nam đã triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT và BH thất nghiệp và cấp sổ BHXH tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
 
 Chúng tôi cũng chuẩn bị đầy đủ hạ tầng, sẵn sàng thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về BH thất nghiệp với cơ quan lao động và thống nhất dự kiến sẽ trao đổi dữ liệu thông qua trục tích hợp quốc gia (NGSP) do Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối quản lý.
 
 Trong khi chưa thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu này giữa hai ngành, BHXH Việt Nam cũng đã có công văn chỉ đạo cấp tài khoản tra cứu trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam, nhằm hỗ trợ cho cán bộ nghiệp vụ tại các trung tâm dịch vụ việc làm có thể tra cứu các thông tin về tình trạng đóng BHXH, BH thất nghiệp, cũng như tình trạng hưởng chế độ BHXH của người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Qua đó, triển khai giao dịch điện tử trong giải quyết chế độ BH thất nghiệp; đồng thời thực hiện liên thông, chia sẻ dữ liệu về BH thất nghiệp giữa hai ngành, để đối chiếu, quản lý đối tượng hưởng BH thất nghiệp được chặt chẽ, kịp thời và chính xác.
 
 Mặt khác, để thực hiện có hiệu quả chính sách BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam cũng đã ký quy chế phối hợp công tác với Tổng cục Thuế. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai để bảo đảm kết nối tự động, cập nhật và chia sẻ thông tin, trao đổi giữa các cơ quan được thường xuyên, liên tục, kịp thời. Trên cơ sở đó, có thể khai thác đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng xúc tiến, triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan.
 
 PV: Cảm ơn những chia sẻ của đồng chí!
 
 

 Nhật Anh - Báo Nhân dân (thực hiện)