Đắk Lắk: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng tiếp cận với các mô hình thực tế

  • 26/11/2020
  • 1751

Trong cuộc sống thực tế hiện nay phụ nữ đã thực sự bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp, ngày càng chiếm tỷ lệ cao, có nhiều phụ nữ xuất sắc trên con đường sự nghiệp, cống hiến cho Tổ quốc, cho nền văn minh nhân loại.

Đắk Lắk: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng tiếp cận với các mô hình thực tế - Ảnh 1.

Mô hình dưa lưới

Thời gian qua dưới sự quan tâm của Đảng và các cấp chính quyền tỉnh Đắk lắk, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk phối hợp với Hội Liên Hiệp Phụ nữ thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức "Hội nghị tập huấn kỹ năng khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp dành cho phụ nữ" cho những người đang kinh doanh nhỏ lẻ, hay những người đang ấp ủ ý tưởng kinh doanh và buổi sinh hoạt chuyên đề " Phụ nữ với kinh doanh – Kết nối doanh nghiệp" cho các nữ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, những người đã khởi nghiệp thành công, đang quản lý, điều hành các doanh nghiệp này.

Hội nghị tập huấn kỹ năng khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp không chỉ cung cấp các thông tin về thị trường lao động, mở ra nhiều cơ hội cho lao động nữ tiếp cận với các nguồn thông tin việc làm, khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, hội nghị còn được giao lưu, gặp gỡ trực tiếp với các nữ doanh nhân, các bạn trẻ đã và đang khởi nghiệp thành công và cơ hội tiếp cận với các ứng dụng công nghệ hiện đại…

Qua hội nghị này chị em phụ nữ, những người đang ấp ủ những ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp tự tin hơn, học hỏi được nhiều kinh nghiệm hơn và có những bước chuẩn bị tốt hơn cho những kế hoạch sắp tới của mình. Luôn vững vàng ý chí, niềm tin vượt qua những khó khăn, thách thức và thành công trên con đường khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh.

Đắk Lắk: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng tiếp cận với các mô hình thực tế - Ảnh 2.

Giao lưu kết nối với các nữ doanh nhân

Ngoài tổ chức tập huấn còn tham quan các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho phụ nữ. Nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khuyến khích, bồi dưỡng kỹ năng, giúp họ tiếp cận với các mô hình khởi nghiệp thực tế, thông qua việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các mô hình đã khởi nghiệp thành công của những người đi trước cho người đi sau, Đợt tham quan lần này gồm hai mô hình, đó là Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng (tổ dân phố 7, phường Khánh Xuân) và mô hình trồng cà chua trái cây Nova (thôn 1, xã Ea Kao). Với sự tham gia của gần 60 chị em phụ nữ đang rất quan tâm đến hai mô hình trên.

Dưa lưới là một loại trái cây có độ thơm ngon và ngọt thanh, đặc biệt mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã mang lại hiệu quả kinh tế và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới. Một vụ sản xuất dưa lưới kéo dài khoảng 60 – 70 ngày, mỗi trái nặng từ 1,4 - 1,8kg, có thể sản xuất được 4 vụ/năm, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất.

Cà chua trái cây siêu ngọt Nova có nguồn gốc từ Mỹ, quả thon dài, màu vàng tươi, hương vị mềm và ngọt, với hàm lượng dinh dưỡng rất cao, là một trong những loại cà chua được ưa chuộng nhất trên thị trường. Sau 10 – 12 tuần gieo hạt đã cho thu hoạch được lứa quả đầu tiên, trọng lượng quả trung bình khoảng 20 -25gram/quả. Chăm sóc tốt, vòng đời của cây có thể lên đến 5 năm. Mỗi năm bình quân 1 cây cho khoảng 4 kg quả, "mang lại giá trị kinh tế vô kể". Cây được trồng theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng có lưới bao quanh ngăn côn trùng gây bệnh, "thức ăn" nuôi cà chua Nova là nước pha các loại khoáng chất và vi lượng, tưới nhỏ giọt trên từng chậu giá thể.

Đây là cơ hội để chị em phụ nữ có thể tiếp cận với các nguồn thông tin, trao đổi, gặp gỡ trực tiếp, học hỏi những kinh nghiệm của các nhà vườn từ đó có những định hướng trong tương lai, nếu chị em nào thật sự quan tâm, muốn được chuyển giao công nghệ, thì sẽ được hỗ trợ tất cả về kỹ thuật. Hai mô hình trồng cây nông nghiệp này đang có hiệu quả kinh tế rất cao nên được rất nhiều người quan tâm.

Việc đồng hành cũng chị em phụ nữ trong việc tự tạo việc làm ổn định, khuyến khích các tinh thần khởi nghiệp, đưa họ tiếp cận với các mô hình thực tế đã tạo bước chuyển biến tích cực, sự tự tin cần thiết, góp phần thúc đẩy sự phát triển và thành công của phụ nữ.

Không riêng ở thành phố Buôn Ma Thuột, những năm gần đây, phụ nữ thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng tới đưa vào sản xuất nhiều mô hình mới, nhiều cây giống mới mang lại giá trị kinh tế cao. Một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em làm giàu chính đáng là mô hình tổ hợp tác rau an toàn trồng cà tím nhật bản Senryo

Chị Bùi Thị Phương, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết hiện nay, nhu cầu tiêu dùng cà tím Nhật Bản trên thị trường ngày càng được ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi và xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên tại tỉnh Đắk Lắk đã có một số nơi trồng cà tím Nhật Bản nhưng chưa thật sự phổ biến, số lượng còn ít, chưa đa dạng về chủng loại. Thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar có lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu phù hợp, giao thông được đầu tư nâng cấp thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa. Chính vì vậy, chị đã vận động hội viên phụ nữ trên địa bàn tham gia thành lập tổ hợp tác rau an toàn, với sản phẩm chủ yếu là trồng cà tím Nhật Bản. Tổ hợp tác có 10 thành viên tham gia.

Đắk Lắk: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng tiếp cận với các mô hình thực tế - Ảnh 3.

Quảng bá sản phẩm thổ cẩm của nữ doanh nghiệp tại Đắk Lắk

Cà tím Nhật Bản là giống mới, đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cao, vì vậy chị Phương đã trực tiếp đi thực tế một số địa phương trong tỉnh để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và ký hợp đồng với Công ty TNHH Bảo An cung cấp cây giống, thuốc trừ sâu, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu thu mua sản phẩm.

Các thành viên mô hình tự giác hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật của công ty. Nhờ vậy, cà tím quả to, bóng mượt, năng suất cao và được công ty thu mua đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, tổng diện tích trồng cà tím của mô hình gần 6ha, năng suất đạt hơn 100 tấn/ha, giá bán bình quân cho công ty thu mua đạt 7.000 đồng/kg.

Chị Bùi Thị Oanh, Chủ tịch Hội LHPN Thị trấn Ea Pốk cho biết: Những năm qua, phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong tổ chức Hội phát triển khá mạnh mẽ với nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, thiết thực. Mô hình Tổ hợp tác rau an toàn đã phát huy được lợi thế tiềm năng về đất đai của gia đình các thành viên để sản xuất cà tím Nhật Bản cung cấp cho người tiêu dùng và xuất khẩu. Mô hình này đã thu hút hội viên phụ nữ trong thị trấn, tạo việc làm ổn định có thêm nguồn thu nhập, góp phần giải quyết bài toán việc làm cho hội viên phụ nữ ở khu vực nông thôn.

Box: Nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ mô hình thực tế đã thành công trên địa tỉnh Đắk Lắk, nhằm khuyến khích, bồi dưỡng kỹ năng, giúp chị em tiếp cận với các mô hình khởi nghiệp này, thông qua việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chị em thực hiện mô hình trước, đã khởi nghiệp thành công. Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Buôn Ma Thuột đã tổ chức đưa các chị em phụ nữ đi: Tham quan các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ, trên địa bàn thành phố.

Theo https://baodansinh.vn