Tạo thuận lợi khi đi làm việc ở nước ngoài

  • 20/11/2020
  • 3164

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Đây là thời khắc cả NLĐ và doanh nghiệp (DN) hết sức chờ đón, bởi khi luật được áp dụng vào thực tiễn, con đường ra nước ngoài làm việc được thuận lợi, chi phí hợp lý hơn. Hơn nữa còn tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ tại các nước tiếp nhận, cũng như tăng cường trách nhiệm của các DN tuyển chọn. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Theo quy định hiện hành, NLĐ Việt Nam có thể ra nước ngoài làm việc theo một trong bốn hình thức: thông qua DN hoạt động dịch vụ, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Hình thức này được thực hiện bởi các DN được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đây là hình thức phổ biến nhất, được nhiều NLĐ lựa chọn nhất khi đi làm việc ở nước ngoài. Qua DN nhận thầu, tổ chức, cá nhân đầu tư ở nước ngoài. Các DN có tư cách pháp nhân Việt Nam, trúng thầu ở nước ngoài, đưa NLĐ của DN mình đi làm việc ở các công trình trúng thầu ở nước ngoài hoặc là các tổ chức, cá nhân của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, đưa NLĐ Việt Nam sang làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh do tổ chức, cá nhân này đầu tư thành lập ở nước ngoài. NLĐ đi theo hình thức này phải là NLĐ đã có hợp đồng lao động với DN và chỉ đi làm việc tại các công trình trúng thầu hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh do tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập ở nước ngoài. Thông qua DN đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề. Và NLĐ tự đi theo hình thức hợp đồng cá nhân, NLĐ ký hợp đồng trực tiếp với chủ sử dụng, không thông qua bên trung gian môi giới. Sau đó, NLĐ trực tiếp đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thường trú hoặc Cục Quản lý lao động ngoài nước để đăng ký hợp đồng cá nhân và khi làm việc ở nước ngoài thì đăng ký công dân với Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước sở tại.

Theo các chuyên gia lao động, công đoàn, “cái gốc” của luật là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ, quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân. Điểm mấu chốt của các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này nhằm tạo môi trường minh bạch, thông suốt và đồng bộ cho hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, giảm chi phí và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài như việc quy định minh bạch thông tin đối với các DN hoạt động dịch vụ và bãi bỏ một số điều về phí môi giới và sửa đổi, bổ sung quy định về chia sẻ phí dịch vụ của người sử dụng lao động đối với NLĐ. Thực tiễn cho thấy, phần lớn NLĐ có nhu cầu ra nước ngoài lao động, đều có hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, việc không có quy định rõ ràng, minh bạch các khoản chi phí như trước đây sẽ là gánh nặng đối với NLĐ. Và hệ quả tất yếu sẽ là việc NLĐ vi phạm hợp đồng, trốn ra ngoài làm việc, cư trú bất hợp pháp, hết hạn hợp đồng nhưng không trở về nước.

Luật cũng đã đưa ra được những điều, khoản nghiêm cấm các hành vi: Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo NLĐ; lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi khác trái pháp luật. Hỗ trợ NLĐ hoặc trực tiếp làm thủ tục để NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật. Cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt NLĐ Việt Nam ở lại nước ngoài. Phân biệt đối xử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của NLĐ; cưỡng bức lao động…

Các chuyên gia lao động công đoàn cũng cho rằng, Luật sửa đổi lần này thắt chặt hơn nữa quản lý nhà nước đối với DN dịch vụ như nâng cao các điều kiện cấp phép hoạt động nhằm loại bỏ những DN hoạt động kém hiệu quả. Đồng nghĩa với việc khuyến khích những DN làm ăn đàng hoàng hướng tới đầu tư phát triển bền vững. Luật cũng đề cao vai trò của địa phương trong việc chủ động tìm kiếm thị trường mới theo hướng cho thu nhập cao hơn sẽ giúp hoạt động xuất khẩu lao động thuận lợi hơn, đi vào thực chất và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Việc bổ sung các quy định, góp phần thúc đẩy công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao theo thỏa thuận; chính sách đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để định hướng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng lao động về chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ; đẩy mạnh việc đưa NLĐ làm việc trong một số ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao là cách thức để Việt Nam xây dựng một lực lượng lao động có tay nghề, có trình độ kỹ thuật, kỹ năng trên thị trường lao động quốc tế. Điều này góp phần quan trọng để lao động Việt Nam có nhiều cơ hội cạnh tranh trên trường quốc tế.

Theo: nhandan.com.vn