Sau đại dịch, cần đặt quyền lợi của người lao động cao hơn lợi ích kinh tế

  • 18/11/2020
  • 2535

- Trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp cần linh hoạt và đề cao trách nhiệm xã hội thay vì chỉ chú tâm đến lợi nhuận.

Đại dịch Covid-19 không chỉ làm nền kinh tế toàn cầu lâm vào tình cảnh lao đao, suy thoái, mà còn khiến hàng triệu người lao động trên thế giới bị mất việc làm. 

Tại Việt Nam, việc người lao động thuộc nhiều ngành nghề, từ giáo viên mầm non, hướng dẫn viên du lịch cho tới công nhân… chủ động chuyển sang các nghề “tay trái” để kiếm thêm thu nhập như: bán hàng online, làm shipper, chạy xe công nghệ, giúp việc nhà… đã trở nên quá quen thuộc và phổ biến. 

Về phía doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp đã buộc phải quyết định tinh giản nhân sự, giãn việc, giảm giờ làm… trong khi vẫn phải loay hoay tìm cách thanh toán lãi suất ngân hàng hàng tháng.

Khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, đến cuối quý III vừa qua, có tới 80% doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Phần lớn các doanh nghiệp không sa thải lao động mà chỉ giãn, giảm giờ làm việc, giảm lương. Nhiều doanh nghiệp đã biến "nguy thành cơ", tận dụng khả năng, nguồn lực để duy trì hoạt động và doanh thu.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển sang may khẩu trang xuất khẩu để thay thế các đơn hàng may mặc đang bị hoãn, hủy do dịch bệnh; một số doanh nghiệp khác thì sản xuất các vật dụng, thiết bị y tế để phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu..

Sau đại dịch, cần đặt quyền lợi của người lao động cao hơn lợi ích kinh tế

Những điều này cho thấy, cả doanh nghiệp và người lao động đều rất nỗ lực vượt khó trong mùa dịch, luôn chủ động tìm cách tồn tại, với mục tiêu là giữ được doanh nghiệp và người lao động giữ được nghề khi đại dịch qua đi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần may Hưng Yên chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp lao đao và rơi vào tình cảnh khốn khó. Để duy trì hoạt động, doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động về việc cắt giảm lương, thưởng. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ, chuyển hướng sang sản xuất những mặt hàng có nhu cầu cao như đồ bảo hộ, khẩu trang… nhằm giảm bớt khó khăn, có thêm doanh thu và duy trì việc làm cho người lao động.

Ông Dương cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã cố gắng nhận đơn hàng kể cả giá thấp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động có việc làm. Đây cũng là một trong những cách để cải thiện đời sống cho công nhân. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề lợi nhuận không đặt lên hàng đầu mà công việc và lợi ích của người lao động mới là thiết yếu. 

“Những đơn vị có đủ vốn sẽ đầu tư thêm thiết bị tự động như máy cắt, máy chải, các thiết bị tự động nhằm nâng cao công nghệ; áp dụng một số công nghệ 4.0, ví dụ, quản lý nhân công bằng công nghệ thông tin, giảm bớt lao động gián tiếp, từ đó tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Ngoài ra, trong điều kiện khách hàng không thể đến mua trực tiếp thì phải tăng cường bán hàng online, bán gián tiếp thông qua việc đấu giá trên mạng trong nước, mạng quốc tế để gia tăng đơn hàng”, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần mềm dẻo trong việc xử lý việc làm cho người lao động.

Theo phân tích của TS - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, lợi ích của người lao động và lợi ích của doanh nghiệp, của nền kinh tế phải gắn kết với nhau, phải có việc làm, phải có sản xuất thì người lao động mới có thu nhập. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần mềm dẻo trong việc xử lý việc làm cho người lao động, ví dụ, thay vì đuổi việc, sa thải người lao động thì doanh nghiệp nên linh hoạt, thương lượng trên tinh thần cố gắng ổn định việc làm cho người lao động; thay vì cho nhân công nghỉ hẳn thì nên giãn việc, làm cách nhật hoặc chia đều thời gian để người lao động giữ được công việc của mình sau đại dịch. 

Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, đối với những người lao động bị mất việc hoặc không có thu nhập thì Nhà nước nên có gói hỗ trợ để vượt qua thời kỳ khó khăn này. Cùng với đó, cần thực hiện các biện pháp tạo việc làm mới, đào tạo người lao động để họ thích ứng hoặc tự tìm việc làm mới. Với tinh thần ấy sẽ duy trì được lực lượng lao động, đảm bảo mức sống tối thiểu của họ cũng như các hoạt động chuyên môn; Cần hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người lao động và xã hội, trên tinh thần chung: “không để người nào bị bỏ rơi, không ai bị bỏ lại phía sau”. 

Phát biểu tại Diễn đàn Đa phương 2020 mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cho hay, tính đến thời điểm hiện nay, đại dịch Covid-19 đã khiến khoảng 7,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng khi phải giãn việc, nghỉ việc luân phiên, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các doanh nghiệp cũng như Tổng LĐLĐVN đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. Đó là chung tay chăm lo lợi ích, bảo vệ quyền lợi của người lao động, động viên người lao động nỗ lực vượt khó, thực hiện "mục tiêu kép", vừa để có việc làm bền vững và thu nhập ổn định, vừa giúp doanh nghiệp đứng lên sau đại dịch.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, bản thân doanh nghiệp Việt Nam luôn có niềm tin, lạc quan khi ứng phó với những biến cố, đại dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình. Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp củng cố niềm tin. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cần linh hoạt, cần đề cao trách nhiệm xã hội thay vì chỉ chú tâm đến lợi nhuận./.

Chung Thủy/VOV.VN