Thị trường lao động sôi động những tháng cuối năm

  • 26/10/2020
  • 3244

Hiện thị trường lao động bắt đầu có dấu hiệu sôi động trở lại khi các doanh nghiệp (DN) tập trung ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới sau thời gian trầm lắng bởi dịch Covid-19.

Nhiều dấu hiệu phục hồi

Do tác động của dịch Covid-19, thị trường lao động có nhiều biến động. Trong đó, sự suy giảm việc làm diễn ra mạnh ở đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp may mặc, da giày, túi xách, thương mại điện tử, du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, giao nhận... Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 9 tháng năm 2020, cả nước tạo việc làm cho 925.850 người, đạt 57,5% kế hoạch và giảm gần 23% so với cùng kỳ năm 2019.

Điển hình như tại địa bàn TPHCM, theo khảo sát nhu cầu nhân lực từ 16.778 DN của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho thấy, trong quý 3/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã có 69,61% DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy gặp khó khăn nhưng hơn 63% DN vẫn bảo đảm việc làm bình thường cho người lao động. Chỉ có khoảng 14,7% DN phải cắt giảm giờ làm việc của người lao động; 4,9% DN có tình trạng thiếu việc làm và 4,9% DN phải cho người lao động thôi việc.

Thị trường lao động sôi động những tháng cuối năm

Nguồn lao động chất lượng cao vẫn đang trong tình trạng "khan hiếm". Ảnh: T.D

Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo trong thời gian tới thị trường lao động Việt Nam sẽ dần phục hồi, nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị đứt chuỗi trở lại thị trường. Đón đầu tình hình trên, nhiều trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước đã triển khai các giải pháp linh hoạt trong phương thức tiếp cận người lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 172.561 lượt người và tạo ra 78.651 chỗ việc làm mới. Sở LĐTB-XH TPHCM cũng đang có nhiều phương án giúp người lao động thất nghiệp sớm tìm được việc làm phù hợp, trong đó phương án tối ưu là tổ chức cho những lao động này được học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp.

Nhu cầu nhân lực trong 3 tháng cuối năm 2020 của các DN trên địa bàn TPHCM cần khoảng 62.000 - 65.000 chỗ làm việc. Những ngành nghề cần nhân lực tập trung ở các nhóm: kinh doanh - thương mại; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; chế biến lương thực - thực phẩm; điện - điện tử - điện lạnh… Tương tự, theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, nhu cầu tuyển dụng lao động những tháng cuối năm tăng nhiều, đa dạng các ngành nghề như: may mặc, sản phẩm gỗ, điện tử, bảo hiểm, xuất khẩu lao động, bất động sản… Ước tính các DN cần tuyển 4.000 lao động.

Cần nguồn lao động chất lượng cao

Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó giám đốc bộ phận tuyển dụng TPHCM Adecco Việt Nam, tỉ lệ thất nghiệp sẽ giảm, do thực tế các DN trở lại gần như 100% điều kiện làm việc bình thường. Dự đoán trong cuối năm, những ngành như sản xuất và vận chuyển hàng hóa sẽ tiếp tục tăng trưởng và cần nhiều nhân sự hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xu hướng mới về kỹ năng số đối với người lao động đã được định hình. DN đòi hỏi người lao động phải đáp ứng được trạng thái "bình thường mới" như có kỹ năng số hóa, ứng dụng được công nghệ trong công việc hàng ngày và tận dụng công nghệ để tối ưu công việc. Bên cạnh đó, DN cũng quan tâm đến ứng viên có khả năng kiêm nhiệm hoặc năng suất cao, kiến thức về ngành mới mẻ và kinh nghiệm làm việc, giải quyết tình huống khi có biến động thị trường.

Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE cho biết, do nhu cầu mở rộng sản xuất nên thiếu đến 13 vị trí việc làm như: quản lý sản xuất biết tiếng Trung, kế toán, kỹ thuật viên bảo trì thiết bị… Riêng công nhân lao động trực tiếp, công ty này cần tuyển từ 20-50 người/tuần. Với mức lương từ 9-25 triệu đồng/tháng, tùy vị trí. Tuy nhiên, công ty từ vài tháng nay khó tuyển lao động. Bà Vũ Tố Như, Phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE chia sẻ, hiện nay, lượng người thất nghiệp đông, nhưng công ty hoạt động trong lĩnh vực điện tử nên cũng “kén” người làm, kể cả lực lượng công nhân làm việc trực tiếp.

Tương tự, bà Lê Thị Hồng Ngọc, chuyên viên nhân sự Công ty TNHH OtMotor Vina cho biết, công ty chỉ thiếu 20 lao động có kinh nghiệm về đúc nhưng rất vất vả trong việc tuyển người đáp ứng yêu cầu.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, thuộc Tập đoàn Navigos Group cho biết, thế mạnh của nhân sự cấp trung người Việt là khả năng học hỏi nhanh, chăm chỉ và thích ứng nhanh với sự thay đổi. Tuy nhiên, nếu so sánh với nhân lực tại các nước phát triển ở khu vực, nhân lực Việt Nam cần cải thiện thêm về tư duy toàn cầu và khả năng ngoại ngữ.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cùng với làn sóng của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, mối lo tụt hậu trình độ lao động ngày càng hiện hữu là sự thiếu hụt lao động có kỹ năng thực hành. Nhu cầu về nhân lực theo xu hướng nhân lực chất lượng cao "lao động tri thức" thay thế sức lao động bằng vận hành máy móc tự động hóa, rô-bốt, trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh đó, người lao động cần trang bị cách thức tự học và ý thức học tập suốt đời càng quan trọng hơn kiến thức của chương trình đào tạo.

Thu Dịu

theo haiquanonline.com.vn