Nhân lực và công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hỗ trợ

  • 13/10/2020
  • 3324

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, các doanh nghiệp hỗ trợ (CNHT) thiếu nguồn lực và công nghệ để đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất.

Lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp CNHT trong nước khá giống nhau, cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm.

Trong ngành cơ khí, đa số là gia công các công đoạn cơ khí đơn giản (dập, cắt, hàn, sơn…), rất ít doanh nghiệp thực hiện các công đoạn, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như: Đúc, xử lý nhiệt, gia công bề mặt.

Điện tử mới chỉ tập trung chủ yếu vào các chi tiết nhựa và bao bì. Các chi tiết như mạch in nhiều lớp, các linh kiện điện tử, rất ít doanh nghiệp đủ trình độ sản xuất. Ngành dệt may chủ yếu mới chỉ phát triển ở công đoạn may.

Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới công nghệ sản xuất.

Đáng chú ý, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành CNHT.

Nhân lực và công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hỗ trợ

Mặc dù Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với khoảng 54% dân số trong độ tuổi lao động nhưng số lao động ở khu vực nông thôn trên 67% có trình độ thấp.

Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng được các yêu cầu công việc của doanh nghiệp, đặc biệt là lao động tay nghề cao.

Cơ cấu đào tạo chưa phù hợp với số lượng học viên cấp bậc đại học và số lượng đào tạo cao đẳng - trung cấp nghề ở có tỷ lệ rất thấp 1 kỹ sư: 1,25 thợ dẫn đến hiện tượng thừa thầy thiếu thợ nghiêm trọng.

Ngoài ra do tác động của cơ cấu kinh tế, các học viên tham gia các ngành kỹ thuật có tỷ trọng nhỏ so với các ngành kinh tế dịch vụ dẫn đến sự thiếu hụt lao động tay nghề cao trong lĩnh vực chế biến chế tạo.

Phần lớn lao động tại các doanh nghiệp CNHT là lao động phổ thông, được đào tạo dưới hình thức vừa học vừa làm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp rất thấp và luôn trong tình trạng khan hiếm.

Trình độ của đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp CNHT của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và cách thức vận hành doanh nghiệp, khả năng chấp nhận rủi ro để thực thi các điều chỉnh, cải cách thông qua đầu tư, đổi mới công nghệ, cách thức quản lý...

Chất lượng nguồn nhân lực thấp, trong khi CNHT là ngành yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, nội dung đào tạo tại các trường kỹ thuật lạc hậu, không gắn với thực tiễn sản xuất, cùng với sự mất cân đối trong phát triển kinh tế tạo ra tâm lý lao động xã hội chỉ quan tâm đến các ngành thương mại và dịch vụ khiến nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp và CNHT thiếu cả về lượng và chất.

Có nhiều nguyên do, trong đó Bộ Công Thương cho biết, việc phối hợp thực hiện các chính sách giữa trung ương và địa phương còn chưa hiệu quả. Nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi do cấp Trung ương đề ra chưa được các cấp địa phương thực hiện đúng.

Do vậy, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận cơ chế, chính sách của nhà nước thông qua cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Khi chính sách Nhà nước về CNHT được ban hành, các địa phương cũng chưa thực sự quan tâm và phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

Song song, sự quan tâm và đầu tư của các địa phương đối với phát triển CNHT còn thấp, đặc biệt đối với một số địa phương có điều kiện để phát triển CNHT, trong khi nguồn ngân sách Trung ương hạn chế.

Nhiều địa phương có điều kiện để phát triển CNHT chưa chủ động xây dựng các chương trình, chính sách triển khai phát triển CNHT trên địa bàn, hầu hết mới chỉ tham gia thực hiện các chương trình do các Bộ, ngành chủ trì.

Thành Công

theo baodansinh.vn