Trường nghề và tín hiệu thị trường

  • 28/09/2020
  • 2828

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết, mặc dù chịu tác động bởi dịch Covid-19 nhưng đến thời điểm này, tuyển sinh của hệ thống GDNN đã đạt được hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là tín hiệu rất đáng mừng.

Bà Hương cho biết, trước đây chừng 2 tháng, tình hình tuyển sinh của các trường cũng đáng lo ngại vì tác động của dịch bệnh. Đặc biệt, đặc thù của tuyển sinh GDNN thì thường là cơ sở GDNN phải tự đến với người học. Cách làm của họ rất năng động, đó là lan tỏa, đi tiếp cận với các trường và đối tượng người học. Tuy nhiên năm nay do dịch bệnh cho nên cách thức tuyển sinh như vậy cũng bị ảnh hưởng, gián đoạn một phần.

Tổng cục cũng chỉ đạo quyết liệt các cơ sở GDNN là phải thay đổi phương thức tuyển sinh từ trực tiếp sang trực tuyến, đẩy mạnh phát triển các trang web, các hình thức truyền thông của nhà trường để không phải chỉ có một mục đích là tuyển sinh, mà mục đích cao hơn nữa là lan tỏa vai trò, ý nghĩa của GDNN đối với việc lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ.

Trong khoảng 2 tháng gần đây, một phần là áp lực của kỳ thi bắt đầu giảm đi, phần nữa là người học đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT rồi, nên có nhiều thời gian dành cho việc lựa chọn nghề hơn. Tới thời điểm hiện nay, qua nắm bắt tình hình thực tế, tôi cho rằng có thể hoàn toàn tin tưởng là chỉ tiêu dự kiến năm nay để định mức về tuyển sinh đối với khối GDNN về cơ bản sẽ hoàn thành. Đến thời điểm này thì có giảm chút so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng đạt tầm khoảng 90%. Và dự kiến từ giờ cho tới 3 tháng cuối năm thì sẽ hoàn thành được các chỉ tiêu tuyển sinh đặt ra từ đầu năm.

PV: Thưa bà, hiện nay có những trường thì tỉ lệ học sinh đăng ký vào trường tăng cao hơn so với mọi năm, hoặc có nhiều trường đã tuyển xong rồi. Nhưng cũng lại có những trường còn rất chật vật trong công tác tuyển sinh. Phải chăng đang có sự phân hóa rất lớn trong các trường nghề?

Bà Nguyễn Thị Việt Hương: Đó cũng chính là động lực để khuyến khích tính tự chủ của các trường. Các trường chắc chắn trong thời gian tới sẽ càng có sự phân hóa về chất lượng, quy mô, ngành nghề… Nó do nhiều yếu tố. Nhưng yếu tố đầu tiên phải nói tới, đó là người học bây giờ đã rất kỹ tính trong việc lựa chọn những cơ sở GDNN có chất lượng.

Cái chất lượng đầu tiên thể hiện ở việc nhà trường xác định được những ngành nghề đào tạo nào là phù hợp với nhu cầu xã hội. Bởi vì việc đầu tiên là học xong phải có việc làm. Cho nên nếu ngành nghề mà nhà trường xác định không trúng với nhu cầu của xã hội thì sẽ không tạo nên được hiệu ứng là ra trường thì sẽ có đơn vị tuyển dụng ngay.

Thứ hai, những trường đã có nhiều ngành nghề đào tạo, có nhiều thí sinh đăng ký và có truyền thống đào tạo từ trước đến nay thì hệ thống đảm bảo chất lượng của họ rất tốt. Từ cơ sở vật chất, đặc biệt là những đầu tư về phòng thực hành, xưởng thực nghiệm phải tốt… thì khi người học nhìn vào mới cảm thấy tin tưởng được. Cho nên đúng là có những trường cho đến thời điểm hiện nay đã phải khóa sổ tuyển sinh rồi.

Nếu như mở rộng quy mô tuyển sinh nữa thì nguồn thu có thể tăng lên những nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Và các trường này buộc phải lựa chọn vào con đường là giữ chất lượng đào tạo chứ không mở thêm quy mô gây ảnh hưởng tới uy tín mà họ đang được hưởng.

Trường nghề đang dần tăng sức thu hút.
Trường nghề đang dần tăng sức thu hút.

Nhiều trường nghề tuyển sinh tốt trong năm nay cho thấy là công tác phân luồng đang có hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta có thể nhìn thấy gì từ tín hiệu thị trường, thưa bà?

- Thực ra tôi nghĩ để đạt được hiệu quả trong công tác này phải là sự đồng bộ của nhiều giải pháp. Và chắc chắn nó phải có những tác động ở tầm vĩ mô, đó là Chính phủ. Bởi vì nếu chỉ có ngành Giáo dục nói chung, trong đó có GDNN thì tiếng nói vẫn chưa đủ tạo ra sự tin cậy cho người học. Và sự chỉ đạo, định hướng này nó xuất phát từ việc xác định đâu là người đưa ra yêu cầu về nhu cầu đào tạo. Và việc xác định này càng ngày càng được chỉ đạo rõ, đó là mọi hoạt động đào tạo, đặc biệt là GDNN phải xuất phát từ yêu cầu của thị trường lao động. Và mọi cái thay đổi nó xuất phát từ đây.

Nếu như giáo dục đại học với vai trò là đào tạo trình độ cao có thể tham gia định hướng thị trường, thì với GDNN là đào tạo ra lực lượng lao động trực tiếp. Cho nên nó phải theo yêu cầu của thị trường lao động. Chính vì điều này nên gần như sự xoay trục đang khá rõ. Doanh nghiệp tham gia rất nhiều vào quá trình tổ chức đào tạo, quá trình tuyển sinh, quá trình tuyển dụng, đãi ngộ đối với người lao động. Khi mà doanh nghiệp vào cuộc ngày một sâu hơn thì người học sẽ nhìn thấy được 2 điều rất rõ.

Một là vị trí việc làm, hai là chất lượng đào tạo. Bởi vì không có một xưởng trường nào có thể có đủ khả năng đảm bảo chất lượng đào tạo bằng chính xưởng sản xuất của các doanh nghiệp. Hiện nay rất nhiều chương trình đào tạo đã phối hợp với doanh nghiệp thay vì thực hành trong xưởng với những thiết bị không thể nào cập nhật kịp với sản xuất thì doanh nghiệp đã hỗ trợ phần này. Rất nhiều môn học đã được dạy tại chính doanh nghiệp trên cơ sở của dây chuyền sản xuất.

Với hai động lực như vậy thì người học vừa tin vào vị trí việc làm sau này vừa tin vào chất lượng đào tạo. Theo chúng tôi thì đây là sự chuyển dịch rất rõ rệt, tạo ra sự tin tưởng đối với người học khi lựa chọn học nghề.

Trân trọng cảm ơn bà!

                                                                                                                                                                                                                                                                                           PHƯƠNG LINH (THỰC HIỆN)