Thêm nhiều tín hiệu lạc quan, thị trường lao động dần “ấm” trở lại

  • 09/09/2020
  • 3711

Thị trường lao động đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực khi số việc làm mới đang tăng dần, các đơn hàng xuất khẩu bắt đầu trở lại.

Hơn 30 triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm bởi COVID-19. Thị trường lao động trong 7 tháng đầu năm gần như đứng yên.

Tuy nhiên, sau 8 tháng, khoảng 90.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng lao động đăng ký là 700.000 người; không còn tình trạng cắt giảm lao động hàng loạt như trong 3 tháng trước và nhiều công ty bắt đầu lên kế hoạch tuyển dụng lao động mới để phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm. Thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi khi số việc làm mới đang tăng dần.

Thêm nhiều tín hiệu lạc quan, thị trường lao động dần “ấm” trở lại - Ảnh 1.

Thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã có sự chuyển biến sau một tháng gần đây. Các ngành sử dụng lao động như: da giày, dệt may, điện tử... đã có những đơn hàng mới, nên nhiều công ty đã cam kết từ giờ đến cuối năm sẽ không sa thải lao động.

Tình trạng giảm ca, giảm ngày làm việc theo tuần, theo tháng đã chấm dứt. Nhiều nhà máy đã gọi lao động trở lại làm việc đầy đủ trong tháng 9.

Nhu cầu tuyển dụng tăng dần

Công nhân ở nhiều nơi đã lạc quan hơn về số phận của mình khi công ty bắt đầu tuyển thêm người, không luân phiên lao động như trước. Thị trường lao động bắt đầu ấm dần lên. Những tín hiệu khả quan từ việc khống chế dịch bệnh đã giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại bình thường. Nhờ đó, người lao động cũng bớt đi nỗi lo thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.

Từ đầu tháng 9, số lượng công ty tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm để tuyển dụng bắt đầu tăng hơn so với những tháng đầu năm. Tại Thái Bình, các vị trí việc làm cho ngành dệt may vẫn chiếm số lượng lớn nhất.

Tại Hà Nội, số việc làm hàng tuần được doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng đã lên đến 2.000 ứng viên/tuần, không còn những công việc thời vụ, làm theo giờ hay chỉ tuyển chỉ vài người, mà nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tuyển có đơn hàng tới cả trăm lao động với cam kết hợp đồng dài hạn.

15 sàn giao dịch việc làm của Hà Nội đã có gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với hơn 30.000 chỉ tiêu, tập trung ở các nghề: kinh doanh, cơ khí điện, điện tử, kế toán, văn phòng, nhân viên kỹ thuật.

Thêm nhiều tín hiệu lạc quan, thị trường lao động dần “ấm” trở lại - Ảnh 2.

Các chuyên gia lao động đề xuất cần có thêm những biện pháp hỗ trợ tạo việc làm trong doanh nghiệp và giữ việc làm người lao động. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.PHCM cho biết, từ nay đến cuối năm, thành phố cần cần khoảng 105.000 - 115.000 chỗ làm việc với 84,5% nhu cầu là lao động qua đào tạo.

Các chuyên gia lao động nhận định dịch COVID-19 tác động trong những khoảng thời gian nhất định và ảnh hưởng đến một số ngành nghề, không phải toàn bộ thị trường lao động, nên vẫn có thể lạc quan về cơ hội phục hồi của thị trường lao động trong thời gian tới.

Thị trường lao động phục hồi vào cuối năm

Thị trường quý III được dự báo sẽ tốt hơn, với lực lượng lao động đạt mức khoảng 55,4 triệu người, tương đương quý I. Việc các doanh nghiệp không cắt giảm nhân lực là tín hiệu tích cực và dù số lượng tuyển dụng không ồ ạt, nhưng sẽ giải quyết một phần lao động thất nghiệp. Ngoài ra, các ngành điện, điện tử sẽ tăng mạnh tuyển dụng vào cuối năm.

Các chuyên gia lao động đề xuất cần có thêm những biện pháp hỗ trợ tạo việc làm trong doanh nghiệp và giữ việc làm người lao động, trong đó phải xây dựng một hệ thống khai báo việc làm nhằm chủ động hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh để giữ việc làm. Trong bối cảnh này, lao động cũng phải chấp nhận giảm thu nhập, nhưng quan trọng nhất là có việc làm và duy trì việc làm ổn định.

Theo PV

VTV

theo cafef.vn