Việt Nam luôn quan tâm người lao động đi làm việc ở nước ngoài

  • 21/08/2020
  • 3297

Hằng năm số tiền do người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 2,7-3,3 tỷ USD. Có được kết quả nói trên, trước hết phải nói đến sự quan tâm thường xuyên của các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Làng quê nghèo thay áo sau khi xuất khẩu lao động

Xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) xưa kia vốn là một vùng đất nghèo khó, cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây lúa. Không chấp nhận sống trong cảnh nghèo khó, nhiều người trong xã bắt đầu đi xuất khẩu lao động. Giờ đây, xã Đô Thành những căn nhà "biệt thự" khang trang mọc lên nhan nhản được trông chẳng khác với một “châu Âu thu nhỏ“.

Một người dân nói vui về sự thay đổi nơi đây nhờ xuất khẩu lao động: “Cứ sau một đêm ngủ dậy là thấy làng xóm lại khác, một số ngôi biệt thự cao ngạo nghễ mọc lên từ lúc nào không hay”. Quả thật nơi đây đã thay đổi một cách chóng mặt, khiến không ít người dân nơi đây phải cảm thấy ngỡ ngàng.

Vợ chồng anh Phạm Xuân Đoàn, 36 tuổi, ở Vũ Thư, Thái Bình, nhờ vốn liếng có được sau mấy năm lao động ở Hàn Quốc, vợ chồng anh trở về quê mua đất, xây nhà và mở cửa hàng buôn bán. Còn anh Phạm Văn Nam, 26 tuổi (em trai anh Đoàn) cũng đi XKLĐ ở Nhật Bản, sau nhiều năm đã tích cóp được một số vốn trở về quê đầu tư làm ăn. Anh Nam kể: "Tôi học xong Cao đẳng tôi đi làm nhưng suốt 2 năm mà không dành dụm được gì. Nhưng sau 3 năm làm ở Nhật Bản, tôi để dành được số vốn. Nay về quê, tôi dự định mở cơ sở để kinh doanh".

Hiện nay, nhờ xuất khẩu lao động mà có rất nhiều 'làng tỉ phú' mọc lên trên khắp cả nước. Cuộc sống người dân cũng thay đổi rất nhiều nhờ lượng kiều hối được chuyển về. Hằng năm số tiền do người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 2,7-3,3 tỷ USD.

Theo dữ liệu công bố từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam xếp thứ 9 thế giới trong bảng xếp hạng nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2019. Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam ước đạt 16,68 tỷ USD, chiếm khoảng 6,4% GDP.

Tuyên truyền phổ biến pháp luật tới người lao động

Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt được kết quả nói trên, trước hết phải nói đến sự quan tâm thường xuyên của các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội.

Thông qua các trang tin điện tử của Chính phủ, của Bộ LĐ-TB&XH và Cục Quản lý lao động ngoài nước tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nâng cao nhận thức của người dân và của xã hội trong việc chấp hành các quy định về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông tin hướng dẫn về di cư an toàn....

Tổ chức hội nghị hội thảo về các nội dung trong Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; lớp tập huấn chuyên đề và hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ làm công tác quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở Trung ương và địa phương; các khóa tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đ làm việc ở nước ngoài.

Biên soạn, in và phát hành miễn phí đến các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động 16.000 cuốn sách tập hợp toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; in và phát hành đến người dân và người lao động hàng chục nghìn tờ rơi, áp phích định hướng về từng thị trường lao động ngoài nước và các chính sách hỗ trợ đi kèm, cũng như sổ tay hướng dẫn cho cán bộ cơ sở trong việc truyền đạt thông tin, tư vấn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thông qua đường dây nóng và trang thông tin điện tử cung cấp công khai, minh bạch, tư vấn, hướng dẫn người lao động về nhu cầu, điều kiện thị trường lao động ngoài nước, các khoản phí người lao động phải nộp để đi làm việc ở nước ngoài qua đó người lao động tiếp cận thông tin, góp phần hạn chế lừa đảo trong hoạt động này.

Phối hợp với Tổ chức di cư quốc tế IOM thành lập các Văn phòng Thông tin di cư (MRC) tại Hà Nội và tại 6 tỉnh thành có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Nghệ An, nhằm cung cấp thông tin độc lập và trực tiếp cho người di cư và giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng.

Nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài

Tại các địa bàn có nhiều lao động Việt Nam làm việc hoặc có nhiều vấn đề phát sinh với người lao động có bộ phận quản lý lao động tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ả Rập Xê Út...

Bộ phận quản lý lao động với các cơ quan chức năng quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát và phối hợp với các cơ quan của nước sở tại tiếp nhận lao động trong việc hỗ trợ kịp thời cho lao động, cho doanh nghiệp, cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài.

Hợp tác với các tổ chức quốc tế (ILO,IOM,UN WOMEN) trong các hành động chung nhằm đưa ra các khuyến nghị bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài và các biện pháp thực hiện nó thông qua việc trao đổi kinh nghiệm giữa các nước trong khu vực, triển khai một số dự án nâng cao năng lực về di cư an toàn, tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Tại các thị trường trọng điểm và có nhiều lao đông của doanh nghiệp, các doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệp cử đại diện để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của người lao động, phối hợp với đối tác nước ngoài để kịp thời xử lý và giải quyết một số vấn đề phát sinh.

Trong suốt thời kỳ dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Việt Nam thường xuyên có các cuộc điện đàm, trao đổi với lãnh đạo cấp cao các nước với mong muốn phía bạn tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng người Việt gia hạn visa, thị thực khi hết hạn. Bộ Ngoại giao cùng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt quan tâm tới những người lao động đã hết hạn hợp đồng, những người lao động nhiễm COVID-19…

Cụ thể, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola (kiêm nhiệm Guinea Xích đạo) và hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng Guinea Xích Đạo đưa 219 công dân Việt Nam (trong đó 129 người dương tính với COVID-19) làm việc tại một dự án thủy điện ở Guinea Xích Đạo về nước an toàn.

Mới đây nhất, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, kiêm nhiệm Uzbekistan đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại xây dựng kế hoạch đưa 226 lao động Việt Nam đang lao động tại Uzbekistan trong đó có một sống trường hợp đã được xác định dương tính với COVID-19 về nước trong thời gian sớm nhất.

33.000 người đi xuất khẩu lao động trong 6 tháng đầu năm 2020

Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, trong những năm gần đây, số lượng người lao động đi làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng. Năm 2016 có 126.000 người, năm 2017 có 135.000 người, năm 2018 có 143.000 người, năm 2019 có 152.000 người. 5 tháng đầu năm 2020 có 33.487 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, số người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể, cụ thể: Đài Loan có 230.000 người, Nhật Bản có gần 200.000 người, Hàn Quốc có gần 50.000 người, Malaysia có 25.000 người, ngoài ra các nước khác.

Bên cạnh đó, thu nhập tiết kiệm của người lao động làm việc ở nước ngoài cũng tăng lên so với trước đây, khoảng 1.500 USD tại Nhật Bản và 1.800 USD ở Hàn Quốc, 600-800 USD tại Đài Loan, 350-500 USD tại Malaysia và Trung Đông. Đặc biệt, đối với những lao động có chứng chỉ trình độ tay nghề mức lương cơ bản khoảng 900-1.000 USD/ tháng nhờ làm thêm và năng suất lao động.

Theo thoidai.com.vn