Xuất khẩu lao động sau COVID-19: Thấp thỏm chờ xuất cảnh

  • 24/07/2020
  • 3736

Thời điểm này, những tín hiệu có phần tích cực từ các thị trường lớn được kỳ vọng sẽ hồi phục hoạt động xuất khẩu lao động và các doanh nghiệp, cũng như người lao động đang thấp thỏm chờ ngày được xuất cảnh.

Theo con số của Bộ LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp, đơn vị đã đưa trên 34 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, bằng 51% cùng kỳ năm 2019. Tuy vậy, con số 34 nghìn lao động được xuất cảnh là của 3 tháng đầu năm 2020, khi đại dịch COVID- 19 chưa bùng phát. Từ thời điểm đó, các hoạt động liên quan đến xuất khẩu lao động đã “đóng băng” hoàn toàn do dịch bệnh.

Thời điểm này, những tín hiệu có phần tích cực từ các thị trường lớn được kỳ vọng sẽ hồi phục hoạt động xuất khẩu lao động và các doanh nghiệp, cũng như người lao động đang thấp thỏm chờ ngày được xuất cảnh.

Đảm bảo an toàn cho lao động xuất cảnh

Nhận định về việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc thời gian tới, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trọng tâm vẫn là các thị trường truyền thống Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bởi 3 thị trường này hiện đang tiếp nhận đến 90% lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Phía Hàn Quốc và Đài Loan đều muốn tiếp nhận lao động Việt Nam để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19. Trong khi đó, Nhật Bản đang có nhu cầu lao động rất cao, tập trung ở các ngành nghề: nông nghiệp, chăm sóc người cao tuổi, chế biến suất ăn, thực phẩm...

“Các nước này cũng đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh thời gian qua. Hiện các bên đang tích cực đàm phán để sớm mở cửa trở lại thị trường. Bộ LĐ-TB&XH sẽ có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp mở lại thị trường, trước mắt là các thị trường đã an toàn và có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam”, ông Liêm cho biết.

Đề cập đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ đã có yêu cầu các doanh nghiệp thông tin đầy đủ, rõ ràng tới người lao động các chính sách được hưởng và chủ động trao đổi với các đối tác nước ngoài để đảm bảo người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn, đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, sinh hoạt, bảo hiểm của người lao động theo hợp đồng đã ký.

Còn với doanh nghiệp, Bộ cũng sẽ đề nghị với nước tiếp nhận lao động có chính sách hỗ trợ việc cấp visa và các giấy tờ khác cho người lao động tiếp tục xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thông thoáng về hồ sơ, thủ tục để doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục lại hoạt động.

“Bộ LĐ- TB&XH yêu cầu các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, xác định trạng thái bình thường mới, từng bước khôi phục và thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước nước ngoài theo hợp đồng. Hiện hoạt động của nhiều doanh nghiệp đã trở lại và sẵn sàng đưa người đi. Nhiều doanh nghiệp còn sẵn sàng thuê máy bay cho lao động xuất cảnh, chỉ chờ tín hiệu từ các thị trường tiếp nhận. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ an toàn của người lao động là trên hết, chỉ cho phép doanh nghiệp đưa lao động đến những địa điểm an toàn”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết.

Theo công an nhân dân