Ngành khách sạn 'thiếu hụt' nguồn nhân lực chuẩn quốc tế

  • 24/07/2020
  • 5072

Ngành du lịch dù đã cố gắng thu hút, đào tạo và hoàn thiện đội ngũ nhân sự quản lý cao cấp, nhân viên buồng phòng, nhưng thực tế vẫn gặp khó về nguồn nhân lực, nhất là những khách sạn xa trung tâm.

Nhân viên làm việc tại một khách sạn. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành khách sạn cần thêm gần 40.000 lao động, trong khi lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm.

Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo tại nhiều trường chưa có điều kiện để nâng cao năng lực thực hành cho người học, dẫn đến thực trạng ngành khách sạn đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lớn nguồn nhân sự chất lượng cao và chuẩn quốc tế.
Việc... chờ người
Vài năm gần đây, Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường phát triển bậc nhất cho ngành khách sạn tại khu vực châu Á. Trong đó, môi trường năng động, cơ hội làm việc tại các tập đoàn lớn và thu nhập cao là những lý do khiến ngành khách sạn Việt Nam hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên và kể cả những người đã tốt nghiệp hoặc đang làm việc trong những lĩnh vực khác.
Nhưng có một thực tế đáng quan tâm là, trong khi Việt Nam thiếu trầm trọng đội ngũ nhân lực có chất lượng cho ngành khách sạn như quản trị khách sạn thì lại thừa những người có trình độ học vấn từ bậc cao đẳng, đại học trở lên và hiện tượng này ngày càng nhiều. Theo khảo sát tỷ lệ thất nghiệp hoặc việc làm không bền vững ở nhóm này đang ở mức cao nhất.
Mặc dù, ngành du lịch đã cố gắng thu hút, đào tạo và hoàn thiện đội ngũ nhân sự quản lý cao cấp, nhân viên buồng phòng, nhưng trên thực tế vẫn gặp khó về nguồn nhân lực, nhất là những khách sạn xa trung tâm. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ cũng trở nên hết sức cấp thiết khi thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực ngành du lịch giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á được triển khai.
Trong Báo cáo về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch chỉ ra rằng, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp, chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch, trong đó hơn một nửa không biết ngoại ngữ.

Do đó, năng suất lao động của nguồn nhân lực tại Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực, đồng thời Việt Nam đang để nguồn nhân lực các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia "làm chủ thế trận". Đặc biệt, hiện tại hệ thống khách sạn 4-5 sao của Việt Nam đều có lao động nước ngoài ở những vị trí quan trọng.
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam cho biết, tình hình này có thể nhận thấy rõ ở Thành phố Hồ Chí Minh có 50 trường đào tạo ngành du lịch, đồng thời ngành du lịch nằm trong 9 ngành kinh tế trọng điểm của thành phố, nhưng lực lượng nhân lực mới chỉ đáp ứng được 10% yêu cầu thực tế.

Mặt khác, trong 4 năm học đại học, sinh viên chỉ có 12 tuần (3 tháng) đi thực hành, trong khi yêu cầu về đào tạo một quản lý khách sạn phải theo tỷ lệ 10:20:70, tức 10% học lý thuyết, 20% để kết nối với các doanh nghiệp và 70% là thực hành các kỹ năng.
"Ngoài ra, không chỉ thiếu kinh nghiệm làm việc, vốn ngoại ngữ ít ỏi cùng các kỹ năng nghề nghiệp còn yếu cũng là nguyên nhân khiến hầu hết bạn trẻ gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình tìm công việc phù hợp và cơ hội thăng tiến. Điều này cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng nhân lực ngành du lịch, khách sạn có kinh nghiệm, chuyên môn, được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, kỹ năng và có nền tảng kiến thức vững chắc theo chuẩn quốc tế", Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng chia sẻ thêm.
Cần hợp tác đào tạo
Ghi nhận thực tế, du lịch Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh về cơ sở vật chất, hàng loạt khách sạn năm sao, resort cao cấp mọc lên không ngừng tại nhiều thành phố lớn. Cụ thể, hệ thống khách sạn ở Việt Nam có hơn 120 khách sạn 5 sao, 270 khách sạn 4 sao, khoảng 500 khách sạn 1-3 sao, với gần 35.000 phòng.
Một số chuyên gia cho rằng, giải pháp cấp bách để giải quyết việc vừa thừa, vừa thiếu nguồn nhân lực phải gắn liền với định hướng phát triển các ngành có giá trị cốt lõi cạnh tranh của kinh tế Việt Nam. Như đối với ngành du lịch nói chung và ngành khách sạn nói riêng, việc chuyển hóa lực lượng thừa kiến thức, thiếu kỹ năng cần thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn tại những cơ sở khách sạn cao cấp đã được chuẩn hóa quốc tế.
Trong các chương trình đào tạo đòi hỏi có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia giảng dạy để hướng đến không chỉ giải quyết căn cơ cho việc cân bằng thừa thiếu mà hơn thế các khách sạn nhanh nhất có nhân lực đủ kỹ năng làm việc. Song song đó, đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu quản trị theo quy trình để xây dựng bộ khung bền vững cho hệ thống quản trị bảo đảm chất lượng dịch vụ, góp phần cải thiện vị thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Để ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững, bà Nguyễn Thị Thu Hương Tổng Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông và đầu tư Nam Hương cho rằng, những chương trình đào tạo chuyên ngành, chuyên sâu như quản trị sự kiện là rất cần thiết. Điển hình, không chỉ là những ngành phục vụ cho ngành du lịch nói chung và ngành khách sạn nói riêng, mà quản trị sự kiện đang là ngành có doanh thu tăng cao không ngừng, nhưng tại Việt Nam đang hạn chế về nguồn nhân lực.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ Lê Minh Phương, Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Hoa Sen (HSU) cho hay, khoa này vừa công bố mở thêm ngành quản trị sự kiện và trở thành trường đầu tiên, đào tạo chuyên ngành, chuyên sâu tại Việt Nam. Với việc triển khai chương trình đào tạo ngành quản trị sự kiện, HSU sẽ đóng góp nguồn nhân lực du lịch sau đào tạo tiếp cận chuyên sâu những kỹ năng trong nghề.
Chương trình học có 3 chuyên ngành chính, gồm: Sự kiện thể thao, sự kiện giải trí và MICE; đồng thời sẽ tăng thời lượng thực tập, thực hành lên 24 tháng. Dự kiến trong tương lai, nhà trường sẽ thực hiện chiến lược đào tạo bằng tiếng Anh cho ngành này và hợp tác đào tạo quốc tế, nhất là tăng thời gian thực tập cho sinh viên dài hơn tại doanh nghiệp mà nhà trường ký kết hợp tác đào tạo.
Tương tự, trước yêu cầu thực tiễn của ngành du lịch, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho hay, vừa qua Hiệp hội Du lịch Việt Nam chọn Trường Cao đẳng Khách sạn Du lịch Quốc tế IMPERIAL (IIHC) và Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam là đơn vị thực hiện mô hình thí điểm trong việc xây dựng và phát triển khóa đào tạo ngắn hạn 16 tuần thực hành nghề và quản lý theo chuẩn quốc tế.
Mô hình này sẽ được triển khai ở ba chuyên ngành, gồm: quản trị bộ phận tiền sảnh và buồng phòng, quản trị nhà hàng và sự kiện, quản trị kinh doanh khách sạn dành riêng cho sinh viên đã hoặc sắp tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng. Đây là khóa học ngắn hạn quản trị khách sạn duy nhất hiện nay được thẩm định chất lượng và cấp bằng Practical Diploma – Level 3, bởi tổ chức thẩm định uy tín thế giới NCFE Vương Quốc Anh.
Với việc được cấp bằng Practical Diploma – Level 3, học viên không chỉ được các thương hiệu quốc tế chấp nhận, mà còn có giá trị chuyển tiếp toàn cầu để đáp ứng nhu cầu học nâng cao.

Đặc biệt, cũng là giải pháp ứng cứu chuyển hóa hiệu quả cho sự mất cân bằng giữa lực lượng lao động học cao dôi dư (đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng) chưa có việc làm hoặc việc làm không phù hợp chuyển đổi để bù đắp cho nhu cầu thiếu báo động về nguồn nhân lực chất lượng quốc tế từ những khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao, bằng những hoạt động đào tạo ngắn hạn đạt chuẩn quốc tế./.

Mỹ Phương/TTXVN

theo baomoi.com