Chốt chặn tăng biên chế

  • 23/07/2020
  • 4821

Từ ngày 20/7/2020, Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức sẽ chính thức có hiệu lực với nhiều thay đổi tác động đến tổng biên chế. Theo đó, việc xác định vị trí việc làm sẽ là căn cứ để tuyển dụng từng vị trí công việc của đơn vị. Điều đặc biệt chính là các đơn vị này sẽ không thể tùy tiện xin thêm biên chế như trước.

Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức nhằm xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả là nội dung lớn trong chủ trương cải cách của Đảng và Nhà nước ta. Một trong những nội dung cốt lõi của việc cải cách chế độ công vụ, công chức là tiến hành xác định vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã xác định một trong những giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách chế độ công vụ, công chức là “xác định rõ vị trí, cơ cấu và tiêu chuẩn chức danh công chức trong từng cơ quan của Nhà nước để làm căn cứ tuyển dụng và bố trí sử dụng cán bộ, công chức… trên cơ sở xây dựng chức danh, tiêu chuẩn, vị trí việc làm và cơ cấu công chức, từng cơ quan nhà nước rà soát lại đội ngũ công chức, đối chiếu với tiêu chuẩn để bố trí lại cho phù hợp”.

Như vậy, xác định vị trí việc làm là nội dung quan trọng để thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức. Bản chất của việc xác định vị trí việc làm là xác định trong một cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm và cần bao nhiêu người với những tiêu chuẩn, năng lực gì để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó. Qua xác định vị trí việc làm sẽ giúp cơ quan, đơn vị phát hiện những chồng chéo về nhiệm vụ của các vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức; phục vụ hiệu quả sắp xếp lại đội ngũ công chức.

Như vậy, qua xác định vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sẽ có thể tuyển dụng, sắp xếp, bố trí công chức phù hợp với vị trí việc làm, loại bỏ những công chức không đáp ứng yêu cầu công việc, góp phần thực hiện tinh giản biên chế.

Xác định vị trí việc làm quan trọng như vậy nên từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2013/NĐ-CP “Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức”, trong đó có quy định về xây dựng khung năng lực cho từng vị trí. Tuy nhiên, phải mất một thời gian tương đối dài các bộ, ngành địa phương mới triển khai được chủ trương này.

Mắc nhất chính là việc không ít bộ, ngành địa phương khi xây dựng đề án vị trí việc làm tại đơn vị mình thì số biên chế không những không giảm mà còn tăng. Tăng là bởi ngại va chạm, tăng là bởi không xác định đúng từng vị trí, không lượng hóa được công việc cụ thể của từng vị trí. Nếu xác định vị trí việc làm mà làm qua loa đại khái như vậy không những không giúp giảm biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ mà còn làm biên chế phình ra.

Không thể tùy tiện tăng biên chế, phải thực hiện đúng lộ trình tinh giảm 10% tổng biên chế vào năm 2021 là việc mà các bộ, ngành địa phương phải nỗ lực làm. Như vậy, xác định vị trí việc làm được đặt ra để thực hiện rất nhiều mục tiêu, trong đó ưu tiên hàng đầu là tinh giản biên chế.

Nếu xác định vị trí việc làm, có bảng mô tả chi tiết công việc của từng vị trí cụ thể trong nền công vụ, mọi việc được lượng hóa thì mới có thể xác định được ai là người không hoàn thành nhiệm vụ, chứ vẫn cứ đánh giá một cách chung chung, định tính như hiện nay chắc chắn sẽ khó có nạn “công chức cắp ô” như đã và đang vẫn tồn tại. 

Điều khiến nhiều người lo ngại chính là khi các đơn vị hành chính ổn định sau khi các đơn vị phê duyệt đề án xác định vị trí việc làm thì biên chế vẫn có thể tăng nếu một số bộ ngành, địa phương muốn điều chỉnh các đơn vị hành chính.

Tuy nhiên, sẽ không lo tăng biên chế một cách tùy tiện như trước, Nghị định 62 nêu rõ: Việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức chỉ được xem xét trong 3 trường hợp: Cơ quan, tổ chức có sự thay đổi một trong các căn cứ xác định biên chế công chức. Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. 

Như vậy, việc thành lập các đơn vị mới cũng phải có sự giám sát chặt chẽ, phải lý giải cụ thể tại sao lại thêm 1 vị trí này, và vị trí việc làm ấy sẽ đảm trách những việc cụ thể thế nào? Có như vậy mới không còn thực trạng các đơn vị kiếm cớ tách đơn vị hành chính để đẻ thêm biên chế.

Đặc biệt, để chốt chặn việc tăng biên chế thông qua xác định vị trí việc làm, Nghị định 62 cũng ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu khi xác định từng vị trí của đơn vị mình.

Cụ thể, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện không đúng quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức tại Nghị định này bị xem xét: Xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật; Đưa vào xem xét phân loại, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm. Không những thế, phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc sử dụng không đúng quy định về quản lý và sử dụng biên chế công chức. Rõ ràng, quy rõ trách nhiệm bằng chế tài cụ thể sẽ chặn được việc tăng biên chế với trăm ngàn lý do đã từng xảy ra.

Nguồn: http://daidoanket.vn/