Ngành học "chìa khóa" cho những tiến bộ công nghệ

  • 22/07/2020
  • 3636

QĐND Online - Nếu không làm chủ được các loại vật liệu thiết yếu và vật liệu kỹ thuật cao phục vụ sản xuất, nước ta có nguy cơ trở thành "công xưởng gia công" với lợi nhuận thấp. Vì vậy việc phát triển và làm chủ ngành công nghệ vật liệu, nhất là vật liệu công nghệ cao là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển của đất nước.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Online đã có cuộc trao đổi với PGS Phương Đình Tâm, Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, Trường Đại học Phenikaa để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của ngành này.

Ngành học "chìa khóa" cho những tiến bộ công nghệ
PGS Phương Đình Tâm, Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết ngành công nghệ Vật liệu có vai trò như thế nào trong các lĩnh vực của đời sống xã hội?

PGS Phương Đình Tâm: Với xu hướng dịch chuyển và tái định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã và đang đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn công nghiệp hàng đầu trên thế giới như Samsung Electronics, SK Groups, Toyota… Hay gần đây nhất, “ông lớn” Apple đưa ra dự định thành lập nhà máy sản xuất hàng triệu tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có về phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, việc có thể chủ động đón nhận và tận dụng được cơ hội này hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của ngành Công nghệ Vật liệu.

Vật liệu mới và Vật liệu kỹ thuật cao có thể coi là chìa khóa cho sự phát triển công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống như: Y học, an ninh, công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, viễn thông, kỹ thuật kết cấu, giao thông, nông nghiệp, dệt may, nhựa và môi trường... Có thể nói, làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu là nền tảng cơ bản nhất để làm chủ sản xuất công nghiệp. Ví như, bí quyết công nghệ giúp Tesla có thể khẳng định và giữ vững vị thế số một của mình trong lĩnh vực chế tạo ô tô điện chính là vật liệu để làm ra loại pin mà không một nhà sản xuất nào khác có được.

Do tầm quan trọng đặc biệt của vật liệu, tất cả các quốc gia trên thế giới đều tập trung nguồn lực để phát triển các vật liệu có giá trị chiến lược nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất. Công nghệ Vật liệu không còn giới hạn trong những quan niệm truyền thống về sắt, thép, xi măng hay vật liệu xây dựng cơ bản. Vật liệu ngày nay là sự tích hợp của những tiến bộ khoa học mới nhất nhằm tạo ra những ứng dụng công nghệ cao như “vật liệu điện tử”, “vật liệu tích trữ và chuyển hóa năng lượng”, “vật liệu polymer-composite hiệu năng cao”, “vật liệu nhớ hình”, “vật liệu đáp ứng môi trường”…

Ngành học "chìa khóa" cho những tiến bộ công nghệ
Sinh viên khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, Trường Đại học Phenikaa nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

PV: Hiện nay, nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của ngành này ở Việt Nam ra sao?

PGS Phương Đình Tâm: Có thể nói ngành công nghệ vật liệu không nằm trong những ngành “top hot” nhưng nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này hiện nay là rất lớn, gần như các công ty sản xuất sản phẩm nào cũng cần đến kỹ sư vật liệu. Từ các công ty trong ngành sản xuất ô tô, cơ khí chế tạo máy cho đến ngành công nghiệp điện tử bán dẫn, năng lượng. Như chúng ta đã biết, sau đại dịch Covid-19, một làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng cao, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo máy, năng lượng xanh, công nghệ vật liệu mới, đặc biệt là các công ty liên quan đến lĩnh vực sản xuất các linh kiện, thiết bị điện tử bán dẫn, do vậy cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ vật liệu ngày càng cao.

Tuy nhiên có một nghịch lý là doanh nghiệp thì cần nhân lực nhưng các cơ sơ đào tạo trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được đủ số lượng nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động, dẫn đến các nhà tuyển dụng vẫn phải chạy đôn chạy đáo để tìm nguồn nhân lực cho mình. Do vậy, sinh viên khi học ngành công nghệ vật liệu sẽ không lo thất nghiệp.

PV: Để học được ngành này, người học cần phải đáp ứng được những điều kiện gì, thưa ông?

PGS Phương Đình Tâm: Về cơ bản, người học phải nắm được những kiến thức cơ bản về Toán, Vật lý, Hoá học, và có thêm tiếng Anh là một lợi thế, vì Toán học đóng vai trò mô hình hóa các vấn đề của vật liệu, xử lý các số liệu đo đạc từ thực nghiệm một cách hiệu quả và có hệ thống. Vật lý được sử dụng để hiểu được các quá trình, sự thay đổi pha hoặc cấu trúc có thể xảy ra trong vật liệu. Hóa học được sử dụng để giúp chúng ta hiểu được các phản ứng giữa các chất xảy ra bên trong hoặc trên bề mặt vật liệu.

Như vậy, ngành khoa học và kỹ thuật vật liệu phù hợp với những sinh viên có thiên hướng về khoa học tự nhiên, đòi hỏi các sinh viên có thể vận dụng một cách phù hợp, linh hoạt, và có thể liên hệ các kiến thức được học trong Toán học, Vật lý và Hóa học trong việc học và nghiên cứu về các vật liệu.

PV: Sinh viên sẽ được trang bị những gì để đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường công nghệ vật liệu trong nước, cũng như quốc tế?

PGS Phương Đình Tâm: Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp đang có những cuộc chạy đua về phát triển các sản phẩm mới, trong đó, doanh nghiệp nào nắm giữ được bí mật công nghệ của vật liệu, người đó sẽ định hình và dẫn dắt kiểm soát cuộc chơi. Vì vậy, để đáp ứng được những đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vật liệu, sinh viên học ngành vật liệu cần được trang bị những kiến thức chuyên sâu để nghiên cứu chế tạo vật liệu mới, được trang bị các kỹ năng thực hành thực tế tại cơ sở sản xuất. Ngoài ra, khả năng ngoại ngữ cũng cần được cải thiện và người học cần được trang bị các kỹ năng mềm như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo và đổi mới sáng tạo.

PV: Những khó khăn trong công tác tuyển sinh ngành này là gì thưa ông?

PGS Phương Đình Tâm: Khó khăn lớn nhất trong công tác tuyển sinh là học sinh cũng như các bậc phụ huynh chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của vật liệu trong các ngành sản xuất cũng như vị trí việc làm của kỹ sư ngành công nghệ vật liệu sau khi ra trường làm gì và ở đâu?

Thứ hai, hiện nay xu hướng học sinh và các bậc phụ huynh muốn chọn các khối ngành “hot”, làm việc trong môi trường văn phòng, dễ dàng kiếm được việc làm như các khối ngành kinh tế, công nghệ thông tin… Và thứ ba là quan điểm của nhiều người vẫn suy nghĩ cho rằng, học vật liệu là học về các vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng, ra trường làm việc nặng nhọc, vất vả, lương không cao.

Ngành học "chìa khóa" cho những tiến bộ công nghệ
Sinh viên ngành công nghệ vật liệu có nhiều cơ hội thực tập và việc làm tại các doanh nghiệp lớn.

PV: Cơ hội việc làm cho những sinh viên ra trường như thế nào, thưa ông?

PGS Phương Đình Tâm: Sau khi ra trường, sinh viên có thể làm việc với vai trò kỹ sư quản lý các dây chuyền sản xuất, kỹ sư phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới, kỹ sư quản lý chất lượng, giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường và viện nghiên cứu, chuyên viên tại các bộ, ngành…

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Vật liệu Điện tử và Công nghệ nano có thể làm việc tại các công ty liên quan đến lĩnh vực sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử như: Samsung, LG, Panasonic, Brother, 4P, Intel, Viettel, Vinsmart, các công ty con của Tập đoàn Phenikaa…

Sinh viên tốt nghiệp ngành vật liệu polymer & composite có cơ hội làm việc tại công ty Viscostone và các công ty con của Tập đoàn Phenikaa, các công ty liên quan đến sản xuất các sản phẩm nhựa: Tân Tiến, Tiền Phong, Bình Minh, các nhà máy sản xuất cao su, nhà máy sản xuất sơn.

Sinh viên tốt nghiệp trong ngành vật liệu kim loại có thể làm việc tại các nhà máy sản xuất thép, các công ty liên quan đến lĩnh vực sản xuất cơ khí chế tạo máy…

Hiện nay, các sinh viên theo học ngành công nghệ vật liệu của Trường Đại học Phenikaa sẽ được nhà trường cam kết đảm bảo việc làm tại các công ty con của Tập đoàn Phenikaa nếu tốt nghiệp đạt loại khá trở lên và ra trường đúng hạn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        KHÁNH HÀ (thực hiện)