Lao động mất việc diễn biến khó lường

  • 20/07/2020
  • 4950

Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đây là nhận định của Bộ LĐ-TB&XH về thị trường lao động từ đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19. Nhiều chuyên gia lao động nhận định, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường.

Chuẩn bị tới “điểm rơi” mất việc

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt trong tháng 6 có nhiều biến động, lực lượng lao động tiếp tục có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng. Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động 15 tuổi trở lên là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019.

Sự suy giảm diễn ra mạnh ở các đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề như: May mặc, da giày- túi xách, thương mại điện tử, du lịch, nhà hàng khách sạn, vận chuyển giao nhận… Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương giảm.

 
Người lao động sẽ phải đối mặt với thách thức tìm việc làm trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó ban Chính sách (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), người lao động sẽ còn bị ảnh hưởng lâu dài chứ không chỉ là 6 tháng vừa qua. Ông Quang phân tích, 3 tháng đầu năm bước vào dịch, một số doanh nghiệp đã dần phải cho người lao động nghỉ hoặc làm việc theo ca. 3 tháng tiếp theo là đỉnh của dịch, phải thực hiện giãn cách xã hội.

“Chúng tôi cho rằng đó chưa phải là đỉnh điểm của mất việc. Các doanh nghiệp vẫn đang duy trì các đơn hàng từ trước đã ký được nên vẫn có việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, việc các thị trường tiếp nhận hàng xuất khẩu chủ yếu của chúng ta hiện nay, tình hình dịch COVID- 19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Thậm chí một số nước lại đang có dấu hiệu bùng phát dịch trở lại. Do đó, đơn hàng của doanh nghiệp sẽ hết dần trong những tháng tới đây. Khả năng chống chọi của các doanh nghiệp ra sao là vấn đề rất lớn và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, thu nhập của người lao động, sẽ thể hiện rõ nhất trong tháng 7, 8, 9 tới đây. Đây có thể sẽ là đỉnh điểm của việc người lao động mất việc nhiều hơn”, ông Quang dự báo.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, chưa bao giờ tình trạng thất nghiệp tăng cao như hiện nay. Nguyên nhân được ông Đào Ngọc Dung cho rằng, do đứt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu dẫn đến việc các doanh nghiệp không thể sản xuất từ đó người lao động mất việc làm. Bên cạnh đó còn là tình trạng hàng hóa sản xuất ra nhưng không xuất khẩu được do dịch bệnh ở các thị trường tiếp nhận dẫn đến việc doanh nghiệp bắt buộc phải thu hẹp sản xuất, thậm chí dừng sản xuất.

“Thời gian qua, tình trạng giãn việc, ngừng việc, mất việc chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực tự do. Tuy nhiên, thời gian tới, số lao động ở khu vực chính thức sẽ tăng cao ở khu vực FDI như dệt may, gia dày… Chính vì thế Bộ LĐ- TB&XH cũng đang xây dựng các phương án để ứng phó và xử lý sớm vấn đề này”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Sẽ có các phương án hỗ trợ lao động

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), qua làm việc với các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương thì các đơn hàng xuất khẩu đang giảm mạnh.

“Một số doanh nghiệp đã có phương án xây dựng cùng công đoàn để hỗ trợ cho người lao động, ít nhất thời gian qua, để duy trì việc làm với mức lương thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động. Nhưng tháng 7, 8 tới, nếu vẫn ảnh hưởng tới doanh thu thì doanh nghiệp sẽ có phương án sắp xếp lại lao động tùy thuộc vào các đơn hàng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với doanh nghiệp nắm rõ được số lượng lao động sẽ bị mất việc làm thời gian tới, nhất là những tháng cuối năm 2020”, bà Ngân cho biết.

Để giải quyết khó khăn cho người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ cùng với Bộ LĐ-TB&XH có các phương án như hỗ trợ người lao động từ kinh phí quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để chuyển đổi đào tạo nghề cho người lao động, tham gia vào việc tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Lê Quân, nếu trường hợp xấu xảy ra, số lượng người mất việc tăng cao thì phải dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đáp ứng cho người lao động mức sống tối thiểu. Bộ LĐ-TB&XH đang tập trung trọng tâm vào vấn đề giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng xây dựng các kế hoạch đẩy mạnh đào tạo và đào tạo lại người lao động để đáp ứng được những nhu cầu việc làm mới.

“Chúng ta phải chuẩn bị cho chu kỳ mới. Quan trọng là phải đào tạo, đào tạo lại người lao động mất việc, khi đó người ta tập trung đi học nghề nên tập trung vào những việc mới. Còn để đảm bảo an sinh xã hội thì Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là có vai trò quan trọng. Nhiều năm vừa qua kinh tế tăng trưởng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tích lũy lên đến 90.000 tỷ. Thời điểm người lao động khó khăn sẽ là những lúc để dùng đến”, ông Lê Quân cho biết.

Theo:http://cand.com.vn/