Số hóa thông tin lao động: Bước đột phá sàn giao dịch việc làm

  • 29/06/2020
  • 4427

 Xây dựng hệ thống sàn giao dịch việc làm đáp ứng nhu cầu kết nối nhanh chóng, hiệu quả giữa người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0 đang là vấn đề bức thiết được đặt ra.

Tận dụng lợi thế CMCN 4.0

Chia sẻ về các không gian kết nối việc làm thời 4.0, ThS Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ Giáo dục, Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, hiện tại với nhu cầu tuyển dụng của hơn 700 nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam, cùng việc cần thiết phải nhanh chóng hỗ trợ sinh viên có cơ hội việc làm. Nếu vẫn theo cách làm truyền thống thì sẽ gặp rất nhiều bất cập về tính hiệu quả, vì chỉ riêng số lượng sinh viên đã lên tới khoảng 1,8 triệu lao động.

Thông qua sàn giao dịch việc làm, người lao động được tiếp cận với các doanh nghiệp để trực tiếp thỏa thuận hợp đồng lao động.

Thông qua sàn giao dịch việc làm, người lao động được tiếp cận với các doanh nghiệp để trực tiếp thỏa thuận hợp đồng lao động.

Những sinh viên đã tốt nghiệp kiếm được việc làm chủ yếu qua các nguồn như: Tuyển dụng trực tiếp tại trường; ngày hội việc làm; trung tâm dịch vụ việc làm; các mạng thông tin việc làm như vietnamworks, linkedin; thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp đăng trên website, Internet, báo đài...

Những nguồn cung cấp việc làm trên khá phong phú. Tuy nhiên, nó lại cho thấy một bất cập là các nguồn trên đều đơn lẻ, mang tính độc lập. Việc thiếu cập nhật thông tin và thiếu tính liên kết gây ra vấn đề là thị trường lao động chậm trong việc cung ứng việc làm cho sinh viên nói riêng và người lao động nói chung, cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Việc bỏ sót các thông tin cần thiết có thể gây ra những phí tổn không nhỏ cho các bên tham gia thị trường lao động.

Lực lượng lao động của Việt Nam thời điểm hiện tại đang khá dồi dào với khoảng gần 56 triệu người. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung và duy trì cập nhật, phân tích, xử lý và sử dụng nguồn tài nguyên này được xem là giải pháp cốt lõi để tận dụng lợi thế của CMCN 4.0 vào sàn giao dịch kết nối việc làm hiện đại.

Mô hình sàn giao dịch việc làm hiện đại

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đẩy mạnh việc xây dựng sàn giao dịch việc làm tại các địa phương là một nhiệm vụ của Cục Việc làm trong thời gian tới. Sàn giao dịch việc làm là nơi giao dịch việc làm và cần phải có quy chế, đầu vào, đầu ra, chứng nhận, chứng chỉ… trên toàn hệ thống.

Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng phải là sàn giao dịch việc làm kết nối với cả nước và kết nối quốc tế. Tham gia vào hệ thống kết nối sàn giao dịch việc làm bao gồm các doanh nghiệp được kiểm định, chứng nhận… thì lao động Việt Nam còn có thể kết nối lao động quốc tế. Khi các sàn giao dịch việc làm đi vào hoạt động sẽ làm giảm tối đa các chi phí kết nối lao động, đồng thời tạo ra sự hấp dẫn cho thị trường lao động Việt Nam. Các sàn giao dịch cũng sẽ làm giảm đáng kể chi phí cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, khi họ được trực tiếp trao đổi, thỏa thuận lao động với doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, đẩy mạnh xây dựng sàn giao dịch thị trường lao động hiện đại là một công tác rất quan trọng.

Liên quan đến sàn giao dịch việc làm, hiện nay việc quản lý dữ liệu dân cư còn nhiều bất cập, có không ít người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp này, nhưng hồ sơ lại đang để tại doanh nghiệp khác và hầu như không có lịch sử quá trình lao động. Để giải quyết vấn đề này, Cục Việc làm đang đề xuất chương trình mục tiêu sắp tới là đẩy mạnh số hóa quản lý lao động.

"Với việc số hóa, thông tin của người lao động sẽ được quản lý và cập nhật trong quá trình dịch chuyển tới bất cứ doanh nghiệp hoặc địa phương khác nhau. Đồng thời, giúp cho công tác dự báo thị trường lao động được chính xác hơn. Đây được xem là một đột phá trong quản trị thị trường lao động". – Cục trưởng Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.

Kinh nghiệm của thị trường lao động các nước phát triển cho thấy, mỗi lao động đều có mã số định danh, gắn với định danh dân cư, và lịch sử quá trình lao động được ghi lại từ lúc bắt đầu tham gia thị trường lao động cho đến lúc về hưu. Quá trình này được ghi lại chính xác và nghiêm túc, từ đó doanh nghiệp nắm bắt rõ năng lực, phẩm chất nghề nghiệp của người lao động để có thể ra quyết định chính xác trong khâu tuyển dụng.

Anh Quang 

theo giaoducthoidai.vn