Hậu Covid-19: Nhiều người lao động gặp khó khăn khi vẫn tiếp tục bị giảm lương, mất việc làm

  • 29/06/2020
  • 4645

DNVN - Mặc dù Covid-19 đã được kiểm soát nhưng trong giai đoạn hiện tại vẫn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc khôi phục kinh tế. Nhiều người lao động vẫn tiếp tục bị giảm lương, thậm chí là mất việc làm vì các doanh nghiệp cần phải tối ưu chi phí để tồn tại. Việc này đã làm nhiều người lao động phải gặp nhiều khó khăn.

Theo kết quả khảo sát, điều tra của Tổng cục Thống kê tại 131.000 doanh nghiệp trên cả nước về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ghi nhận đến giữa tháng 4/2020 có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên. Trong đó, số lao động thất nghiệp trong quý I năm 2020 đạt khoảng 1,1 triệu người, tăng khoảng 26.000 so với quý trước.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại đã gây những thiệt hại vô cùng nặng nề lên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và ảnh hưởng đến toàn thế giới. Tuy Việt Nam về cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, nhưng tình hình thế giới còn rất phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân chính của việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Để có thể khôi phục được nền kinh tế trong giai đoạn hiện tại là tương đối khó khăn. Nhiều chuyên gia nhận định để khôi phục được nền kinh tế cần đến cuối năm 2020 thậm chí sang đầu năm 2021. Tình trạng người lao động bị mất việc làm, bị giảm lương diễn ra không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh mà đến thời điểm hiện tại vẫn đang tiếp diễn.

Tại TP.HCM, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM,) trong thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, số lượng người đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp rất lớn, trung tâm đã ở trong tình trạng quá tải.

Trong tháng 5/2020 đã có gần 27.000 người đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại 7 điểm của trung tâm, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019. Trung tâm là nơi tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cao nhất trong 63 tỉnh, thành, chiếm 1/5 lượng hồ sơ của các nước nhưng nhân sự rất ít, chỉ có 84 người. Chưa tính tới số lượt người đến thông báo việc làm, nhận kết quả thì trung bình mỗi ngày các điểm tiếp nhận gần 1.400 hồ sơ mới, cao điểm lên tới 2.000, mỗi nhân viên phải xử lý 50-70 hồ sơ mỗi ngày.

 

Nhiều người lao động vẫn gặp khó khăn khi tiếp tục bị giảm lương, mất việc làm (Ảnh minh họa)

Nhiều người lao động vẫn gặp khó khăn khi tiếp tục bị giảm lương, mất việc làm (Ảnh minh họa)

 

Chị Hương Lan, vốn là một nhân viên cắm hoa cho một cửa hàng hoa có tiếng trên phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội. Chị đã gắn bó tại cửa hàng gần 7 năm. Khi dịch bệnh bùng phát, chủ cửa hàng hoa quyết định giảm lương của toàn bộ nhân viên vì không có doanh thu chờ tình hình khá hơn. Chị cho biết: “Tay nghề của mình khá cứng vì làm lâu năm rồi. Trước đây mức lương của mình trung bình là 15 triệu/tháng. Khi dịch bệnh bùng phát, các hoạt động bị đóng băng thì lương của mình giảm xuống còn 10 triệu/tháng. Đến hiện tại, mặc dù đã bắt đầu có khách trở lại tuy nhiên lượng khách không nhiều như trước, chủ cửa hàng vẫn chưa có ý định trả mức lương cũ, mà thậm chí một trong số 3 nhân viên bọn mình đã bị cho nghỉ việc cách đây không lâu. Kinh tế khó khăn, các cửa hàng hoa giờ cũng vắng khách nên ít bên tuyển. Mà có tuyển thì lương cũng thấp. Nên bọn mình đành bám trụ lại ở đây chứ không còn cách nào khác”.

Không chỉ ngành dịch vụ, mà du lịch cũng là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch bệnh. Mặc dù hiện tại du lịch nội địa đang được kích cầu và khôi phục lại mạnh mẽ, tuy nhiên không phải công ty du lịch nào cũng tận dụng được điều này để khôi phục lại kinh doanh.

Chị Tuyết Nhung, vốn là nhân viên của một công ty du lịch lữ hành có văn phòng tại quận Đống Đa, Hà Nội. Công ty này trước đây tập trung bán tour nội địa. Chị Nhung cho biết: “Khi bắt đầu dịch bệnh và có lệnh cấm bay và giãn cách xã hội là mọi hoạt động của công ty gần như đóng băng hoàn toàn. Thời điểm đó, sếp mình quyết định sẽ giảm 50% lương của nhân sự dự kiến đến hết tháng 4 vì sếp cũng chưa lường trước hết những phức tạp của dịch bệnh lần này. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tình hình cũng không khả quan hơn. Do không đẩy mạnh làm online từ trước, và quen làm tour nước ngoài nên hiện tại việc bán các tour trong nước khá kém. Các doanh nghiệp năm nay hầu hết đều cắt giảm chi phí cho nhân sự đi nghỉ mát nên doanh thu hầu như cũng không có. Với tình hình này thì lương chưa biết khi nào được tăng về mức ban đầu như trước đây”.

Không may mắn như chị Nhung và chị Lan, chị Bích Hồng vốn là một nhân viên trong một khách sạn lớn ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nằm ở vị trí đắc địa nên khách hàng chủ yếu của khách sạn này là khách nước ngoài và chủ yếu là người Trung Quốc. Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay chị vẫn tiếp tục phải nghỉ việc, vẫn chưa tìm được việc làm mới vì đa số các nhà hàng khách sạn hiện nay vẫn còn nhiều nơi chưa mở cửa trở lại hoặc nếu có mở cửa thì cũng là hoạt động cầm chừng và vẫn tối giản nhân sự đến mức tối đa có thể.

Chị Hồng cho biết: "Hiện tại mình vẫn đang giữ liên lạc với khách sạn cũ để khi nào mở cửa trở lại mình sẽ quay trở lại làm vì mình có có tuổi rồi, xin việc cũng rất khó. Hiện tại thì kinh tế gia đình cũng gặp nhiều khó khăn nhưng ông xã mình may mắn giờ công việc đã quay trở lại ổn định nên mình cũng đỡ vất vả hơn nhiều người khác”.

Tính đến thời điểm hiện tại, tuy mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt đã đều đã diễn ra bình thường nhưng những thiệt hại mà Covid-19 để lại vẫn còn rất lớn. Không chỉ chủ doanh nghiệp mà người lao động cũng là đối tượng đang trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhà nước và Chính phủ cũng đang cố gắng hết sức để có thể khôi phục được kinh tế Việt Nam nhanh nhất. Tuy nhiên, để mọi thứ trở lại bình thường như trước đây thực sự cần sự chung tay góp sức và nỗ lực chung của tất cả chúng ta.

Huyền Phạm - Báo Doanh nghiệp VN