Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua

  • 26/06/2020
  • 4169

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua.

Rủi ro cao về việc làm

Hội thảo trực tuyến “Hội thảo quốc tế về việc thúc đẩy các thoả thuận song phương trong lĩnh lao động, việc làm và xã hội sau Covid-19" do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 23/6 (tại Hà Nội).

Tham dự Hội thảo có ông Boris Zucher - Quốc Vụ khanh phụ trách kinh tế, Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sỹ, đại điện Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam và nhiều ban, ngành liên quan.

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sỹ ngày cảng phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua - 1

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, đại dịch Covid-19 xuất hiện từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và việc làm của người lao động, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm trên thế giới.

“Nhóm lao động có việc làm phi chính thức, lao động không có hợp đồng lao động có thu nhập thấp, lao động trẻ tuổi và lao động cao tuổi, phụ nữ, lao động di cư là những nhóm dễ bị tổn thương dưới tác động của dịch bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động Việt Nam ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với 75% dân số trong độ tuổi lao động, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Hà chia sẻ, trong bối cảnh đó, nhờ thực hiện những giải pháp ứng phó của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn, người lao động bị giảm sâu thu nhập do dịch Covid-19 và sự đồng lòng của người dân trong công tác phòng, chống, kiêm soát dịch bệnh vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, kể từ ngày 23/4/2020, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm mở cửa và đang đẩy mạnh phục hồi và phát triền kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong tháng 5/2020, trên 5.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 36,1% so với tháng trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 26,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5.2%.

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 24/4/2020, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ với tổng số trên 62 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng

Ký kết Bản ghi nhớ 

Tại Hội thảo, đại diện 2 nước Việt Nam và Thuỵ Sĩ đã có những thảo luận để tổng những mô hình, giải pháp hiệu quả nhằm khôi phục thị trường lao động, hướng tới đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động sau Covid-19, tạo đà phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Hội thảo cũng chứng kiến lễ ký kết trực tuyến giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sỹ về hợp tác trong lĩnh vực lao động và việc làm.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua - 2

Toàn cảnh Hội thảo. 

Đây là những hoạt động thiết thực hướng tới việc chuẩn bị kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Thụy Sỹ và kỷ niệm 10 năm ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sỹ.

Năm 2020, Covid - 19 đã gây ảnh hưởng toàn cầu đến các nền kinh tế, thị trường lao động và an sinh xã hội và tạo ra những thách thức đòi hỏi SECO và Bộ LĐ-TB&XH đưa ra những khuyến nghị về chính sách nhằm giảm bớt tác động của nó và hỗ trợ việc phục hồi nhanh chóng.

Việt Nam cũng đề nghị Thuỵ Sỹ chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý các nhóm lao động dễ bị tổn thương (lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động cao tuổi, người khuyết tật, người giúp việc gia đình) theo hướng làm việc làm bền vững

Tăng cường năng lực quản trị nhà nước và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trong bối cảnh thực hiện các cam kết quốc tế về quan hệ lao động trong EVFTA.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị Thuỵ Sỹ chia sẻ kinh nghiệm xây dựng quy định và triển khai danh sách ngành, nghề mà người sử dụng lao động phải sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ hành nghề; chia sẻ kinh nghiệm và mô hình phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.

Chia sẻ mô hình tổ chức hoạt động và các nội dung dịch vụ việc làm công mà nước bạn đang triển khai xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả của dịch vụ việc làm công; cách đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực việc làm Công)

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất về hợp tác phát triển kỹ năng và đào tạo tại nơi làm việc trong các lĩnh vực được lựa chọn, bao gồm cả "quản lý khách sạn và nhà hàng” (Quản lý khách sạn).

Minh Anh

theo dantri.com.vn