Cơ hội học nghề và việc làm trong thế giới mới

  • 26/06/2020
  • 4093

GD&TĐ - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã cho thấy, những cấp bách về sự thay đổi xu hướng việc làm. Đây là những thách thức gắn liền với cơ hội về nghề nghiệp mới.

Kỹ năng học tập suốt đời

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT chia sẻ: Dịch Covid được xem là "bước ngoặt" trong tiến trình của nhân loại. Các tổ chức tài chính thế giới đánh giá, Covid có thể "thổi bay" thành tựu của nhân loại đã làm được trong hàng chục năm qua. Đây là thảm họa không chỉ cướp đi cuộc sống của con người mà còn ảnh hưởng rất xấu đến xã hội và nền kinh tế. Thế giới đã thay đổi và không quay trở lại, điều đó có nghĩa là tương lai trở nên vô định, đến mức chỉ trong 10 năm nữa sẽ có 85% công việc trên thế giới chưa được phát kiến.

Covid có thể đặt 50% nguồn nhân lực toàn cầu vào tình trạng mất việc làm. Thực tế mới có thể không cho phép thực hiện phương thức tương tác trực tiếp như hiện nay. Với sự thay đổi nhanh chóng này, khái niệm đi xin việc gần như sẽ không còn và học sinh, sinh viên sẽ phải đặt mình vào tư thế tạo nên công ăn việc làm.

Đây là thách thức gắn liền với cơ hội mới, sự khác biệt của trạng thái bình thường mới, đòi hỏi phải an toàn với dịch bệnh và một cách làm việc khác. Giới trẻ sẽ có ưu thế trong việc tiếp cận với tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Điện toán đám mây… Những sản phẩm mới được sáng tạo hầu hết sẽ liên quan đến công nghệ thông minh. Đây là những cơ hội đi vào một thế giới mới.

Cơ sở giáo dục và đào tạo phải đào tạo để sinh viên ra trường là những người có tư duy sáng tạo. Trong tương lai, nhiều kỹ năng mềm sẽ đi cùng suốt cuộc đời, vì vậy, không thể đào tạo để làm những công việc của ngày hôm nay, mà phải đào tạo những kỹ năng gắn liền với cả cuộc đời đó là những kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện, ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng công cụ số và kỹ năng quan trọng hàng đầu là học tập suốt đời.

Xu hướng tự động hóa và số hóa

Chia sẻ với các bậc phụ huynh và các em học sinh về những cơ hội lựa chọn ngành nghề tương lai, TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tác động của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế, xu hướng cụ thể là tự động hóa, điện tử hóa, số hóa… Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5 đã khẳng định rõ điều này, để tranh thủ thời cơ dân số vàng, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đã khuyến cáo Việt Nam cần tập trung đặc biệt vào phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, phát triển giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             ANH QUANG