Gỡ “nút thắt” đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá cao đề xuất kịp thời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

  • 15/06/2020
  • 4821

(Dân sinh) - Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Dân sinh, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh: “Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá cao đề xuất kịp thời của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH với Chính phủ về việc dành 3.000 đến 5.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại và cấp chứng chỉ cho khoảng 1 triệu lao động”.

* Để có thể thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định. Ông có thể đánh giá khái quát về chất lượng lao động Việt Nam hiện nay?

Nhìn tổng thể, chất lượng lao động Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam. Nhiều năm qua, chúng ta luôn ở trong tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động một số ngành dịch vụ và công nghệ mới.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá cao đề xuất kịp thời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung - Ảnh 1.

Ông Ngọ Duy Hiểu.

Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề một cách bài bản còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu. Tình trạng thể lực của lao động nước ta còn hạn chế, sức bền, sự dẻo dai để đáp ứng với cường độ làm việc cao và những yêu cầu trong sử dụng công nghệ hiện đại chưa đạt yêu cầu. Một bộ phận người lao động có tính tuân thủ kỷ luật chưa cao, khả năng hợp tác, chia sẻ còn hạn chế.

Phải chăng vì có nhiều hạn chế như vậy mà một bộ phận lao động Việt Nam thất nghiệp? Việc đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp có phải là vấn đề cấp thiết được đặt ra không, thưa ông?

- Những hạn chế tôi vừa nêu trên là lý do chính của tình trạng một bộ phận lao động Việt Nam thất nghiệp. Nhiều ngành thiếu lao động kỹ thuật cao trầm trọng nhưng một bộ phận lao động không có việc làm là điều chúng ta phải suy nghĩ và có giải pháp. Trong các giải pháp đó thì vấn đề đào tạo nghề là một giải pháp quan trọng, cấp thiết. Thực hiện việc đào tạo, đào tạo lại giúp người lao động đủ tiêu chuẩn, điều kiện để tiếp cận công việc mới; tạo cơ hội để họ thay đổi tư duy, phát huy tính chủ động, sáng tạo; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng được làm việc, cống hiến để có thu nhập, đảm bảo cuộc sống cả trước mắt và lâu dài.

* Theo ông, lao động thất nghiệp có khó khăn gì khi tìm việc mới?

- Lao động thất nghiệp đi tìm việc mới có nhiều khó khăn, đó là: Hầu hết không có trình độ tay nghề, khả năng tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật hiện đại có nhiều hạn chế; tuổi đời, tuổi nghề đã cao. Áp lực về tâm lý, sự thiếu tự tin về bản thân. Ngoài ra, còn các vấn đề như chỗ ở, đi lại, nuôi con nhỏ, phong tục, tập quán...

* Ông đánh giá như thế nào về đề xuất của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH?

- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá cao đề xuất kịp thời của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH với Chính phủ về việc dành 3.000 đến 5.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại và cấp chứng chỉ cho khoảng 1 triệu lao động. Đặc biệt là trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp sản xuất, đổi mới công nghệ, chuyển đổi ngành nghề do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đề xuất này được thực hiện sẽ góp phần tạo cơ hội có việc làm bền vững cho một lượng lớn người lao động, có thu nhập ổn định.

Ông kỳ vọng gì nếu đề xuất được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận?

- Nếu đề xuất được chấp nhận và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản sẽ tạo cơ hội có việc làm bền vững và thu nhập ổn định cho 1 triệu lao động. Khi Chương trình lan tỏa, nó sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sắp xếp, cơ cấu lại ngành nghề sản xuất kinh doanh, vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Xin cảm ơn ông!