Những định hướng đổi mới trong việc đưa người Việt đi làm việc ở nước ngoài

  • 22/05/2020
  • 3508

Giảm tiền dịch vụ phí, tăng chi phòng ngừa rủi ro cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài… là định hướng mới trong luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Chiều ngày 21/5, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh &Xã hội Đào Ngọc Dung trình Quốc hội dự án luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Luật được sửa đổi lần này để giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; Điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dungnhấn mạnh, dự luật đưa ra nhiều quy định mới nhằm bảo vệ tốt hơn cho người lao động Việt khi ra nước ngoài lao động.  

Để tăng thêm cơ hội cho người lao động lựa chọn việc đi làm việc ở nước ngoài, luật bổ sung đối tượng đơn vị sự nghiệp được Chủ tịch UBND tỉnh, thành giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Luật bổ sung quy định khai báo thông tin trực tuyến thông tin của người lao động giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh vào quy định về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

Để minh bạch quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, dự luật quy định điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài “doanh nghiệp phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động”; điều kiện vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (không thấp hơn 05 tỷ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư); Bổ sung quy định “Thời hạn Giấy phép là 05 năm; được gia hạn Giấy phép nhiều lần, mỗi lần 5 năm”; Sửa đổi các quy định về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp: nhân viên nghiệp vụ, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; bỏ quy định về việc doanh nghiệp phải có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động cũng được đưa vào dự luật như: chính sách hỗ trợ đối với người lao động là đối tượng chính sách xã hội để học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở những nước phát triển và có mức thu nhập cao trong một số ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật mà trong nước có nhu cầu, phát triển nguồn nhân lực căn cứ theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và nước tiếp nhận người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh nội dung quy định về tiền dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với nguyên tắc giảm thiếu tối đa chi phí đối với người lao động. Cơ quan soạn thảo loại bỏ quy định hiện hành về việc người lao động có trách nhiệm hoàn trả một phần tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ.

Những quy định để mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nướccũng được cơ quan soạn thảo luật chú trọng.

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được xác định là quỹ tài chính ngoài ngân sách; được quản lý bởi Hội đồng quản lý và Ban Điều hành quỹ. Luật sửa đổi bỏ quy định nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho Quỹ.

Các nội dung được chi từ Quỹ được xác định ở 8 nhóm, chủ yếu là chi cho hoạt động mang tính chất thúc đẩy phát triển thị trường có chất lượng, phòng ngừa rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật. Đồng thời đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo tiếp tục làm rõ một số vấn đề như rà soát, thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính; bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên cơ sở nguyên tắc của thị trường.

Định hướng rõ việc phát triển hoạt động về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh lực lượng lao động gia nhập thị trường lao động có xu hướng ngày càng giảm.

Đổi mới việc dạy nghề, đào tạo nghề có định hướng, kế hoạch đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài hướng đến các thị trường, ngành nghề có mức lương cao, ổn định, an toàn; nâng cao hình ảnh người lao động Việt Nam khi tham gia vào thị trường lao động tại các nước khác trên thế giới.

Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhận định, Quỹ do doanh nghiệp, người lao động đóng góp, nên các nội dung chi cần hướng đến mục tiêu chính để phục vụ doanh nghiệp, người lao động, đồng thời, đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo làm rõ một số vấn đề như sự thay đổi tính chất và địa vị pháp lý của Quỹ so với quy định hiện hành; việc bảo đảm tính khả thi, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; Cơ sở để quy định việc trích 10% quỹ dùng để chi cho bộ máy quản lý điều hành trong dự thảo văn bản hướng dẫn và tính tương quan với các loại hình quỹ khác.