Thị trường lao động trong tâm bão dịch Covid -19: Không có biến động lớn

  • 24/02/2020
  • 4254

Nhờ những biện pháp chủ động, kịp thời của ngành Lao động- Thương binh và Xã hội nên mặc dù trong điều kiện dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ, đến nay trên toàn quốc không có biến động lớn về vấn đề lao động, việc làm. Hầu hết các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động vẫn ổn định, duy trì hoạt động bình thường, chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt lớn lao động.

Không có biến động lớn về vấn đề lao động

Trong báo cáo nhanh về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona liên quan tới lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch. 

Điển hình, Bộ đã ban hành Công văn số 335/LĐTBXH-VP ngày 28/01/2020 yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người lao động, làm việc xuất phát, trở về từ các khu vực đang có dịch tại Trung Quốc, khuyến cáo người lao động tránh đi vào vùng có dịch, đề xuất kịp thời các biện pháp xử lý khi cần thiết.

thi truong lao dong trong tam dich covid 19 khong co bien dong lon

Ảnh minh họa

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH ngày 02/02/2020 tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; trong đó, yêu cầu:

Dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người liên quan tới lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành; tạm dừng tiếp nhận lao động từ Trung Quốc về quê ăn Tết quay trở lại Việt Nam làm việc và lao động là người nước ngoài di chuyển qua các vùng dịch trong thời gian công bố dịch bệnh nCoV; tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch bệnh nCoV; rà soát, thống kê, cập nhật hàng ngày các số liệu, thông tin y tế liên quan tới lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch, nhất là lao động Trung Quốc; rà soát, nắm rõ số lượng người lao động Việt Nam làm việc tại các nước đã có các trường hợp nhiễm dịch bệnh nCoV;

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh khử trùng phòng học, nơi học để phòng, chống dịch bệnh nCoV trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công bộ phận thường trực để theo dõi, nắm bắt những vấn đề liên quan tới việc phòng, chống dịch bệnh nCoV trên địa bàn. Ngoài ra, Bộ còn tổ chức làm việc với các địa phương về công tác phòng, chống dịch nCoV trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Trung Quốc…

Đánh giá tác động của dịch bệnh đến một số lĩnh vực của ngành, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, đến nay, trên toàn quốc không có biến động lớn về vấn đề lao động, việc làm. Hầu hết các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động vẫn ổn định, duy trì hoạt động bình thường, chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt lớn lao động. Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, ngoại trừ không tổ chức các phiên giao dịch việc làm tập trung đông người tìm việc và doanh nghiệp, còn các hoạt động cung cấp dịch vụ cho người lao động và doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động bình thường, không có bất kỳ xáo trộn nào.   

Tuy nhiên, Bộ cũng cho biết, qua báo cáo của 22/63 tỉnh/thành phố, có tổng số 8.773 lao động bị ảnh hưởng, trong đó ngành nông, lâm và thủy sản có 3.227 người (chiếm 36,8%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 2.252 người (chiếm 25,7%); ngành vận tải, kho bãi có 1.121 người (chiếm 12,8%); ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có 665 người (chiếm 7,6%).

Còn lại một số ngành khác có lao động bị ảnh hưởng nhưng số lượng không nhiều. Cùng đó, số lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh là 1.027 người; chủ yếu rơi vào ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (365 người, chiếm 35,5%) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (106 người, chiếm 10,3%). Số mất việc làm còn lại rải rác ở một số ngành khác.

Về tình lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hiện có  33.775 lao động Trung Quốc làm việc tại các địa phương đã được cấp giấy phép lao động, trong đó có 26.388 lao động Trung Quốc về nước ăn Tết.  Đến nay lao động Trung Quốc đa phần chưa quay lại làm việc. Việc quản lý và điều hành doanh nghiệp của lao động Trung Quốc chủ yếu thực hiện qua điện thoại và mạng internet nên các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc quản lý và điều hành doanh nghiệp. 

Tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định thị trường lao động

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành hoặc tham mưu ban hành các văn bản có tính pháp lý cho việc quản lý và sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là lao động Trung Quốc đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tới lĩnh vực lao động việc làm xây dựng các kịch bản quản lý điều hành trong trường hợp dịch bùng phát tại Việt Nam.

Bộ dự báo thị trường lao động trong Quý I và năm 2020, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, dự báo khả năng thiếu hụt lao động và dịch chuyển lao động trong bối cảnh các doanh nghiệp đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất do chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nguyên liệu ngừng hoạt động (các doanh nghiệp gia công cho các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp có đầu vào nguyên liệu phụ thuộc vào Trung Quốc,…).

Bộ cũng dự báo các nước tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc sẽ ngừng việc nhập cảnh hoặc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam, do đó cần xây dựng Kế hoạch đào tạo lao động, chuyển đổi lao động đi làm việc tại các thị trường khác hoặc cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước.  Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh để chủ động phối hợp với các lực lượng quân đội, y tế và các địa phương nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, nhất là những địa phương có khả năng bùng phát dịch bệnh để có phương án trợ giúp kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng. 

Bên cạnh đó, Bộ tiếp  tục thực hiện các giải pháp trọng tâm của năm 2020 trong lĩnh vực lao động việc làm. Trong đó, Bộ sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng, cơ cấu ngành, nghề hợp lý; Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn; kết nối đồng bộ giữa đào tạo với giải quyết việc làm trong nước và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cùng đó, Bộ sẽ xây dựng Đề án hỗ trợ thị trường lao động đến năm 2030; Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm tại địa phương; thực hiện các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm; Phối hợp triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong khai trình lao động đối với doanh nghiệp, đơn vị. 

Đặc biệt, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm ổn định và phát triển, mở rộng thị trường lao động ngoài nước; đàm phán, ký kết các Biên bản ghi nhớ, Thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước. Thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. 

Ngọc Tú

theo laodongthudo.vn