Hơn 60% thanh niên Việt Nam làm việc trái chuyên môn

  • 24/02/2020
  • 3894

Đây là một trong những thông tin được nhiều đại biểu quan tâm, tranh luận và đề xuất ý kiến tại Hội nghị toàn thể lần thứ 31 của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, diễn ra sáng nay, 21-2, tại Hà Nội.

Hơn 60% thanh niên Việt Nam làm việc trái chuyên môn

Hội nghị toàn thể lần thứ 31 của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt nam khẳng định, năm 2019, Ủy ban đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, đầu việc đặt ra.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra đôi lúc còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu; việc nắm bắt, tổng hợp tình hình xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật còn hạn chế...

Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân đã chỉ ra nhiều vấn đề cần xem xét lại liên quan đến công tác thanh niên. Cụ thể, hiện nay, có nhiều thanh niên đi lao động ở nước ngoài, gây ra tình trạng “khan” nhân lực cục bộ ở một số doanh nghiệp trong nước.

“Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có tới hơn 60% thanh niên Việt Nam đang làm việc không đúng chuyên môn được đào tạo, vì vậy, thu nhập của bộ phận này thường không cao. Đây là vấn đề mà Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam và các bộ, ngành cần quan tâm hơn để xây dựng chính sách phù hợp nhằm phát huy tốt hơn tiềm năng của thanh niên”, đồng chí Lê Quân nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam và Bộ Tư pháp nhằm hoàn thiện dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) theo hướng bảo đảm chất lượng, tập trung vào các quy định về quyền, nghĩa vụ thanh niên cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên... để trình lên Quốc hội.

Nhiều đại biểu cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT, tăng lượng học sinh tham gia học nghề.

Ngoài ra, các bên liên quan cần chú trọng hơn việc nghiên cứu, đổi mới cơ chế, thủ tục hỗ trợ vay vốn để thanh niên khởi nghiệp và sản xuất. Đối với các địa phương, cần quan tâm bố trí ngân sách để triển khai nhanh chóng, hiệu quả các đề án, kế hoạch phát triển thanh niên; tập trung giải quyết việc làm tại chỗ cho các bạn trẻ; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đặc thù cho thanh niên.

Theo https://nhandan.com.vn