Phấn đấu người đóng bảo hiểm thất nghiệp chiếm tỷ lệ 29,2%

  • 10/02/2020
  • 4931

Bảo hiểm xã hội (BHXH) đưa ra chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ với số người tham gia BHXH chiếm tỷ lệ 35% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chiếm tỷ lệ 29,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.

Ngày 31/01, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh ký Quyết định số 136/QĐ-BHXH ban hành Chương trình hành động của BHXH Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

phan dau nguoi dong bao hiem that nghiep chiem ty le 292
Phấn đấu người đóng bảo hiểm thất nghiệp chiếm tỷ lệ 29,2%

Theo đó, với mục tiêu triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, BHXH Việt Nam tập trung vào việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu như: Số người tham gia BHXH chiếm tỷ lệ 35% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHTN chiếm tỷ lệ 29,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHYT đạt 90,9% dân số tham gia BHYT.

Để đạt mục tiêu trên, BHXH Việt Nam sẽ tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kế hoạch… của Đảng, Chính phủ về BHXH, BHYT. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, thu nợ BHXH, BHYT đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu, nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT. Kết nối thông tin, liên thông dữ liệu với các bộ, ngành liên quan để quản lý đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, thành lập mới. Tích cực điều tra, khảo sát để xác minh số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT; từ đó có biện pháp đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT đầy đủ cho người lao động.

Tăng cường quản lý công tác chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ cho người hưởng. Thực hiện giải quyết chính sách BHXH, BHYT đúng pháp luật, kịp thời, thuận tiện; hạn chế tình trạng trục lợi quỹ BHXH, BHTN. Nâng cao chất lượng công tác giám định, giám sát chặt chẽ việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; tăng cường quản lý lĩnh vực dược và vật tư y tế trong khám chữa bệnh BHYT; đảm bảo quyền lợi của người tham gia và hạn chế tình trạng bội chi quỹ BHYT.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các vi phạm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật...

Nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến các cấp, các ngành, người lao động và nhân dân, đặc biệt quan tâm đến người sử dụng lao động và người lao động thuộc khu vực kinh tế tư nhân; tập trung tuyên truyền, phổ biến những điểm mới của chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BHXH, BHYT với mục tiêu công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan BHXH, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, BCH Trung ương về phòng chống tham nhũng. Đấu tranh phòng chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Xử lý nghiêm những công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, gây phiền hà cho đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách cũng như đơn vị, doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tăng cường hội nhập quốc tế, phát huy tối đa nguồn lực và điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam bền vững, hiệu quả, hiện đại.

BHXH Việt Nam yêu cầu, căn cứ vào chương trình hành động này và chương trình công tác năm 2020 của đơn vị, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của đơn vị. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch được giao để có biện pháp chủ động quản lý, điều hành thực hiện; gửi BHXH Việt Nam (Vụ KH-ĐT) chậm nhất ngày 29/02/2020 để theo dõi, giám sát.

Bên cạnh đó, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình công tác đã đề ra; xây dựng và triển khai chương trình công tác liên ngành với ngành LĐ-TB&XH, ngành Y tế và các ngành, cơ quan có liên quan.

Đặc biệt, kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai các phong trào thi đua yêu nước năm 2020 với chủ đề “CCVC ngành BHXH nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm; nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020”; phong trào “Cùng cả nước xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua khác theo đợt, theo chuyên đề với nội dung, mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện tốt Luật BHXH, Luật BHYT và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

P.V - Báo điện tử Petrotimes