Coi trọng phát triển nguồn nhân lực

  • 10/02/2020
  • 5750

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, không khí làm việc trên cả nước đã trở lại bình thường. Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2020, cung-cầu lao động không có nhiều biến động, tình trạng “nhảy việc” cũng như khan hiếm lao động sau Tết đã giảm rõ rệt.

Có được điều này là do các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng những giải pháp quan tâm, chăm lo đến người lao động (NLĐ).

Dù có nhiều công việc phù hợp, làm gần nhà nhưng chị Nguyễn Kim Hạnh ở xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ vẫn gắn bó với Công ty TNHH Segi Việt Nam (Khu công nghiệp Bá Thiện 2, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Chia sẻ về lý do không muốn “nhảy việc”, chị Hạnh cho biết: “Tôi làm việc tại Công ty Segi được 3 năm, ngoài việc chi trả lương, tiền ăn ca và các khoản phụ cấp tương đối tốt, công ty còn có nhiều hoạt động chăm lo NLĐ trong các dịp lễ, tết. Đặc biệt, với những lao động ở xa, công ty bố trí xe đưa đón. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết NLĐ đều trở lại công ty làm việc, một vài người nghỉ việc là vì lý do gia đình".

Mặc dù đến nay chưa có thống kê cụ thể về tình hình lao động trở lại làm việc sau Tết tại các khu công nghiệp-khu chế xuất, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, việc cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, chăm lo đời sống NLĐ được xem là giải pháp hiệu quả, thu hút họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Số lao động quay trở lại làm việc cao là tín hiệu vui, khẳng định sự gắn bó giữa họ với doanh nghiệp. Theo đánh giá của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), mặc dù vẫn còn khó khăn nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp có sự tăng trưởng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp có điều kiện chăm sóc tốt hơn đời sống của NLĐ, trong đó tiền lương, tiền thưởng đều tăng so với năm 2018.

Mặc dù thị trường lao động năm 2020 được dự báo ít biến động và nhiều điểm sáng, song một thực tế là làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vẫn đang là bài toán khó đối với từng doanh nghiệp và cả xã hội. Theo báo cáo về tình hình lao động-việc làm năm 2019 của Tổng cục Thống kê, số lao động qua đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên năm 2019 là 12,7 triệu người, chiếm 22,8% so với năm trước. Đặc biệt, hiện tại có sự chuyển dịch lao động theo hướng giảm tỷ trọng ở khu vực nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Từ những kết quả nêu trên, ngay từ đầu năm 2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 1,5 triệu lao động trong nước; hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 100.000 lao động thông qua Quỹ quốc gia về việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63-65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24-25%... Tại Hội thảo “Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do đến lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế Việt Nam” do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ tổ chức mới đây, một số tham luận cho rằng: Lao động Việt Nam dồi dào, nhưng chất lượng chưa cao. Nếu không thay đổi sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu công việc và mất đi thế mạnh cạnh tranh. Quan trong hơn là chúng ta sẽ bị thất thế ngay trên sân nhà khi lao động từ các nước dịch chuyển vào nước ta. Thực tế đã có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nhân lực cho những vị trí đòi hỏi khả năng tư duy chiến lược và tư duy lãnh đạo. Chính vì vậy, họ phải tìm nhân sự thay thế từ các quốc gia khác.

Còn theo các chuyên gia về lĩnh vực lao động, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì nhu cầu lao động có kỹ năng cao sẽ tăng lên trong khi nhu cầu đối với NLĐ ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm xuống. Nhóm lao động kỹ năng trung bình bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt với những công việc có tính lặp lại dễ bị thay thế bởi tự động hóa và trợ lý ảo. Trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động gặp những thách thức lớn giữa chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Cùng với việc tăng cường tự động hóa, NLĐ phải có những thay đổi để thích nghi nếu không muốn bị đào thải và trở thành thất nghiệp.

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nhận định: “Khó khăn chung của các doanh nghiệp hiện nay là nguồn nhân lực, chất lượng lao động không đáp ứng theo nhu cầu phục vụ sự phát triển xã hội, nhất là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng diễn ra nhanh. Từ thực tiễn này, công tác tổ chức và quản lý đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cần được thực hiện mềm dẻo, linh hoạt, giúp người học chủ động lựa chọn chương trình và kế hoạch học tập phù hợp”.

LAN HƯƠNG - ĐỨC THỊNH

theo qdnd.vn