Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2020: Thay đổi nhỏ, ý nghĩa lớn

  • 10/02/2020
  • 3861

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT, dự thảo quy chế tuyển sinh 2020 về cơ bản vẫn giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020 như đã công bố trước đó nhưng vẫn có một số điểm mới nhằm khắc phục hạn chế của quy chế 2019. Đại diện nhiều trường đại học (ĐH) bày tỏ sự ủng hộ với dự thảo mới vì đã phát huy quyền tự chủ của các trường.

5 điểm mới cơ bản

Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020 là quy chế tuyển sinh hợp nhất các loại hình đào tạo, gồm tuyển sinh đạo tạo chính quy, tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học, bằng thứ 2, chương trình tiên tiến, chất lượng cao, theo đặt hàng, liên thông. Quy chế này không áp dụng đối với việc tuyển sinh đi học nước ngoài, đào tạo từ xa. So với quy chế 2019 có một số điểm mới đáng chú ý.

Đó là áp dụng theo Luật giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, dự kiến Bộ GDĐT sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm trình độ trung cấp nữa. Trình độ cao đẳng (CĐ) chỉ giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non.

Thứ hai, tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, trình độ CĐ, ngành giáo dục mầm non.

Thứ ba, quy định cụ thể hơn về điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng (thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực...) nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào.

Thứ tư, tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên và một số ngành/loại hình tuyển sinh.

Thứ năm, quy định chế tài chặt chẽ đối với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh… để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện thực hiện tự chủ ĐH.

Trong đó, nhiều trường ĐH và CĐ đánh giá cao Quy chế tuyển sinh 2020 ở việc quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ hơn đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...). Cụ thể, các chuyên gia cho rằng dự thảo đã bám sát thực tiễn khi quy định, các trường chỉ được dùng tối đa 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành và có sửa đổi (bổ sung phần trách nhiệm của địa phương, trong đó có trách nhiệm của UBND tỉnh, sở GDĐT và trách nhiệm của điểm thu nhận hồ sơ). Bởi lẽ, việc có nhiều hơn 4 tổ hợp xét tuyển sẽ khiến thí sinh có những băn khoăn về tỷ lệ trúng tuyển vào trường bởi tùy từng năm, đề thi của các môn dễ hay khó dẫn đến việc điểm chuẩn vào ngành tăng hay giảm so với năm trước. Trong khi đó, giữa các tổ hợp khó xác định mức điểm chênh lệch khiến cho thí sinh cũng đắn đo về cơ hội trúng tuyển.

“4 tổ hợp xét tuyển một ngành là mức tối đa các trường đưa ra để thuận lợi cho thí sinh. Nếu ngay trong đề án tuyển sinh của các trường công bố vào tháng 3 có tỷ lệ tuyển sinh theo tổ hợp thì sẽ càng minh bạch giúp thí sinh có phương án hợp lý cho mình”- TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ ĐH, Bộ GDĐT phân tích.

Hiện ngoài phần trách nhiệm và hỗ trợ của Bộ GDĐT về quản lý cơ sở dữ liệu thi, nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh, có thêm phần trách nhiệm của UBND tỉnh, sở GDĐT trong việc hỗ trợ thí sinh ghi đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và kiểm tra giám sát các phần dữ liệu có liên quan đến ưu tiên khu vực cho chuẩn xác. Tránh tình trạng các em trúng tuyển vào trường rồi mới phát hiện sai sót, khi đó ảnh hưởng rất lớn đến thí sinh.

Ủng hộ “điểm sàn” của khối ngành sức khỏe, sư phạm

Hai ngành đặc thù được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua là các trường nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên do Bộ GDĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Điều này được dự thảo đề cập nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia bởi đây đều là những nghề nghiệp có tác động trực tiếp đến sức khỏe và thế hệ trẻ, tương lai đất nước.

Tuy nhiên, đối với khối sư phạm nghệ thuật, thể dục thể thao nếu quy định điểm sàn cứng và các điều kiện quá cao sẽ khó để có thể tuyển được người có năng khiếu tốt. Trong khi đây lại là những ngành đòi hỏi chú trọng đến năng khiếu của người học, sự rèn luyện trong quá trình học tập hơn là vấn đề học vấn như nhiều khối ngành khác. Vì thế, một số ý kiến đề nghị để các trường tự quy định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình với Bộ GDĐT và xã hội về chất lượng đầu vào do trường quy định.

PGS Nguyễn Phong Điền- Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020 không có tác động nhiều đến các cơ sở giáo dục ĐH. Mỗi trường được chủ động phương án tuyển sinh, trong đó 10/3/2020 là thời hạn các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh. Đề án này sẽ có nhiều thông tin và dữ liệu hơn so với năm 2019. Cụ thể, các trường phải xác định cả phương thức tuyển sinh đối với các loại hình đào tạo: Chính quy, hệ vừa học vừa làm, văn bằng 2…

Các trường sẽ tự xác định phương thức tuyển sinh trên cơ sở các quy định của Quy chế tuyển sinh. Chẳng hạn, các trường có thể tổ chức thi tuyển, xét tuyển hay xét tuyển căn cứ hoàn toàn vào kết quả thi THPT quốc gia, hoặc một phần dựa vào kỳ thi của trường, một phần dựa vào học bạ của thí sinh… Trên tinh thần ấy, các trường phải công khai trong đề án tuyển sinh. Ngoài ra, trong đề án sẽ cung cấp tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong vòng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so với năm tuyển sinh.

Đây là điểm mới so với quy chế 2019 đòi hỏi các trường phải có thống kê cụ thể và minh bạch để người học có cơ sở lựa chọn thay vì chỉ có thông tin về học phí cũng như cơ hội việc làm còn mơ hồ mà các trường quảng cáo. Bởi trên thực tế, có những ngành “hot” tưởng như dễ xin việc nhưng nhiều sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành, trái nghề. Ngược lại, một số ngành truyền thống không được nhiều thí sinh quan tâm nhưng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao cũng là một cơ sở quan trọng để người học cân nhắc.

Hiện dự thảo vẫn đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi để nhằm điều chỉnh sao cho sát với thực tế nhất và vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường.

Các trường sẽ tự xác định phương thức tuyển sinh trên cơ sở các quy định của Quy chế tuyển sinh. Chẳng hạn, các trường có thể tổ chức thi tuyển, xét tuyển hay xét tuyển căn cứ hoàn toàn vào kết quả thi THPT quốc gia, hoặc một phần dựa vào kỳ thi của trường, một phần dựa vào học bạ của thí sinh… Trên tinh thần ấy, các trường phải công khai trong đề án tuyển sinh. Ngoài ra, trong đề án sẽ cung cấp tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong vòng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so với năm tuyển sinh.

                                                                                                                                                                                                                       Thu Hương