Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

  • 03/02/2020
  • 4202

Qua 25 năm hình thành và phát triển, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam luôn nỗ lực phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

25 năm vững trụ cột an sinh

Cách đây vừa tròn 25 năm, ngày 16/2/1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Nghị định số 19/CP của Chính phủ, thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Lần đầu tiên, kể từ khi thành lập nước, một cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đã được thành lập. Kể từ đây, việc đảm bảo các quyền lợi về BHXH, BHYT của người lao động (NLĐ) và mọi người dân được thực hiện đầy đủ, kịp thời và ngày càng tốt hơn.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thăm Hệ thống thông tin Giám định BHYT của BHXH Việt Nam.

Nền an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT nói riêng là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội. Ngay từ khi thành lập nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về các chế độ BHXH và nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật BHXH và Luật này được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện vào năm 2014. Theo đó, chính sách BHXH từ chỗ chỉ thực hiện cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước; đã chuyển sang thực hiện cho tất cả NLĐ, trên cơ sở quan hệ đóng - hưởng. Cùng với đó, năm 2008, Quốc hội đã ban hành Luật BHYT và Luật này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, hoàn thiện theo hướng đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người tham gia.

Đặc biệt, trong các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 21-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, đã tiếp tục khẳng định: BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, từ khi thành lập đến nay, hệ thống BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT. Ước tính đến hết năm 2019, toàn quốc đã có hơn 15,7 triệu người tham gia BHXH, hơn 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và gần 85,4 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số).

Trong 25 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, không chỉ chăm lo phục vụ tốt các đối tượng tham gia thụ hưởng chính sách, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ, mà còn kịp thời đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi nhiều nội dung để Luật BHXH và Luật BHYT đi vào cuộc sống, thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội hiện nay.

Nỗ lực phục vụ người dân

Sau 25 năm BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BH thất nghiệp) số người tham gia BHXH, BHXH liên tục tăng lên qua các năm. Năm 1995 (năm đầu tiên thực hiện Điều lệ BHXH), cả nước có trên 2,2 triệu NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, và đến năm 2019, ước có trên 15,7 triệu NLĐ tham gia BHXH.

Năm 2003 (sau 1 năm hợp nhất tổ chức BHXH, BHYT), cả nước có gần 11,5 triệu người tham gia BHYT và đến năm 2019 có gần 85,4 triệu người tham gia (đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số).

Năm 2009 (năm đầu tiên thực hiện BH thất nghiệp), cả nước có gần 6 triệu NLĐ tham gia BHTN và đến năm 2019, ước có trên 13,3 triệu người tham gia.

Tính từ năm 1995 đến nay, toàn ngành BHXH đã giải quyết cho gần 2,5 triệu người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng, trên 10 triệu người hưởng BHXH một lần, trên 100 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ. Trong khi nguồn chi trả các chế độ cho người tham gia từ Quỹ BHXH không ngừng tăng lên thì nguồn chi từ ngân sách Nhà nước cho lương hưu và trợ cấp BHXH đang được giảm dần.

Trung bình mỗi năm Quỹ BHYT đã đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho trên 160-180 triệu lượt người, với chi phí hàng chục ngàn tỷ đồng. Quỹ BHYT đã trở thành một nguồn tài chính quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng nguồn chi cho công tác KCB và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Để đạt thành tích trên, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Cụ thể, trong 5 năm (2014-2019) số lượng thủ tục hành chính (TTHC) của ngành đã được giảm từ 115 thủ tục xuống còn 27 thủ tục (giảm trên 75%). Số giờ thực hiện TTHC về BHXH, BHYT từ 335 giờ (năm 2014) xuống còn 147 giờ vào cuối năm 2019.

Điều này cũng được thể hiện trong báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2020 (công bố tháng 10/2019), mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 70/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chỉ số “Nộp thuế và BHXH” tăng được 22 bậc so với Báo cáo 2019. Đây là nỗ lực chung của ngành Thuế và ngành BHXH trong những năm qua.

Để làm tốt cho công tác quản lý và phục vụ người dân, hệ thống CNTT của Ngành đang dần hoàn thiện theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, được tích hợp, tập hợp theo hệ thống quốc gia. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho 18/28 TTHC; dần hoàn thiện việc xây dựng hệ sinh thái 4.0, phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại trong toàn Ngành.

Những đột phá mạnh mẽ về ứng dụng CNTT của ngành đang ngày càng đáp ứng tốt hơn mục tiêu phục vụ, hướng tới sự hài lòng của đơn vị, doanh nghiệp, NLĐ và người dân. BHXH Việt Nam đã tạo ấn tượng trong 2 năm liên tiếp (2017 và 2018) giữ vững vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (Việt Nam ICT Index) dành cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.

BHXH Việt Nam đã hoàn thiện và quản lý tập trung Cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT theo mã số BHXH, với thông tin của hơn 93 triệu dân, tương ứng khoảng 25 triệu hộ gia đình trên toàn quốc. Việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu BHYT hộ gia đình và cấp mã số BHXH là tiền đề cho việc xây dựng, kết nối liên thông, hoàn thiện hệ thống ứng dụng CNTT của ngành, tiến tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về người tham gia BHYT, BHXH. Đây cũng là nguồn dữ liệu quan trọng được sử dụng trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT để kiểm soát chi phí KCB BHYT nhằm nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT của BHXH Việt Nam; là cơ sở để xây dựng và phát hành Thẻ an sinh xã hội cho người dân.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của BHXH Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế và hình ảnh là bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng an sinh xã hội khu vực và thế giới. BHXH Việt Nam luôn tăng cường và mở rộng các quan hệ hợp tác song phương với các nước, tích cực tham gia và hoàn thành các nghĩa vụ của tổ chức thành viên, ban chấp hành tại các Diễn đàn hợp tác đa phương khu vực và quốc tế.

 

Xuân Minh - nguồn: baotintuc.vn