Đào tạo nghề trong cách mạng công nghiệp 4.0

  • 23/12/2019
  • 4673

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang làm thay đổi kỹ năng nghề nghiệp của nhiều ngành nghề trong nền kinh tế. Xu hướng ứng dụng công nghệ mới trong thực hiện các kỹ năng nghề nghiệp trở nên phổ biến, đòi hỏi các trường đào tạo nghề cần cập nhật chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng công nghệ, để đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh mới.

Nhiều thay đổi trong kỹ năng nghề nghiệp

Mỗi hoạt động trong doanh nghiệp (DN) đều được vận hành theo những nguyên tắc nhất định, từ khâu cung ứng các yếu tố đầu vào như lao động, nguyên vật liệu, thiết bị, phụ tùng đến vận hành dây chuyền sản xuất, kiểm soát chất lượng, lưu kho, quảng cáo, phân phối, tài chính, hành chính, nhân sự, đầu tư…

Tất cả hoạt động này đều có thể vận dụng nền tảng công nghệ 4.0 để thực hiện các thao tác, lưu giữ dữ liệu, phân tích thông tin, tương tác với khách hàng. Các nền tảng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 như Internet, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, robot… có thể kết hợp lẫn nhau để tạo ra giải pháp trong sản xuất và quản trị DN.

Điều đó đặt ra vấn đề: muốn vận hành được hệ thống sản xuất theo phương thức mới, DN phải có đội ngũ nhân lực tương xứng - lao động chuyên nghiệp, nắm bắt tốt các giải pháp công nghệ số trong thao tác công việc để tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Đào tạo nghề trong cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 1Giờ học thực hành trên thiết bị tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: QUANG HUY

Người lao động trong bối cảnh hiện nay không chỉ am hiểu về chuyên môn nghề nghiệp mà cần phải sử dụng thông thạo các nền tảng công nghệ 4.0 trong thực hiện các thao tác lao động. Ứng dụng các nền tảng công nghệ mới sẽ làm thay đổi cách làm việc của nhiều ngành nghề, bởi quy trình thực hiện sẽ thay đổi theo hướng rút ngắn và tích hợp nhiều hoạt động khác nhau. 

Việc nhận diện những thay đổi trong kỹ năng nghề nghiệp để thiết kế lại các chương trình đào tạo là rất cấp bách. Để làm được điều này, đòi hỏi cơ sở đào tạo cần liên kết với DN để cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế của DN. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các cơ sở dạy nghề thường tham khảo chương trình lẫn nhau mà ít quan tâm đến đòi hỏi thực tế của DN.

Do vậy, kiến thức và kỹ năng của học viên sau khi tốt nghiệp không được vận dụng ở thực tiễn DN. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên phần lớn thiếu thực tiễn ở các đơn vị vận hành hệ thống sản xuất; phòng thí nghiệm biệt lập với các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, thậm chí khá lạc hậu… cũng là các nguyên nhân làm gia tăng thêm khoảng cách giữa đào tạo với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thúc đẩy liên kết nhà trường và DN

Từ góc độ DN, mặc dù các DN thường đánh giá là chất lượng đào tạo không phù hợp với yêu cầu sử dụng, nhưng rất ít DN chủ động gặp cơ sở đào tạo để đặt hàng cụ thể. Vì thế, cơ sở đào tạo cũng thiếu thông tin về yêu cầu công việc trong bối cảnh mới. 

Trong khi các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của DN, các trường chưa liên kết được DN trong triển khai hoạt động đào tạo, vai trò trung gian làm cầu nối của các hội DN còn mờ nhạt, thì Chính phủ, chính quyền cũng chưa thật sự làm tốt vai trò điều phối mối quan hệ giữa các chủ thể đó. Mọi sự liên kết tích cực đều cần đến sự điều phối từ Chính phủ, chính quyền, chứ không thể tự hình thành.

Bởi khi DN, cơ sở đào tạo và hội DN liên kết với nhau thì luôn cần có một cơ chế thống nhất, dù dưới hình thức bắt buộc hay tự nguyện. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn thiếu cơ chế thúc đẩy các mối liên kết, cũng như hành động cụ thể nào từ phía chính sách để thúc đẩy các mối liên hệ đó ở Việt Nam.

Mối liên kết giữa DN với nhà trường sẽ giúp chuyển giao được kết quả nghiên cứu của nhà trường cho DN, đồng thời sẽ giúp phát triển năng lực tiềm năng của người học nhờ vào sự kết hợp lý thuyết và thực hành trong đào tạo. Mối liên kết này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Về phía DN, việc liên kết sẽ giúp tiết kiệm chi phí nhờ tiếp cận nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu thực tế của mình, DN sẽ đặt sẵn cho nhà trường những thiết kế nội dung đào tạo, lựa chọn giáo viên tối ưu và giảm bớt khó khăn kinh phí cho nhà trường.

Ngược lại, cơ chế đào tạo của nhà trường sẽ đi theo một quy trình phi truyền thống, do nhà trường đã nắm rõ gói kỹ năng cần có của người cần đào tạo trên cơ sở hợp tác với DN, sau đó mới lựa chọn công nghệ đào tạo và đầu vào phù hợp.

Để đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới của DN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các trường đào tạo nghề phải đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo cho phù hợp. Muốn vậy, không còn cách nào khác là cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác với DN trong việc xác định nhu cầu, xây dựng chương trình, mô phỏng thực hành, trao đổi giảng viên giữa DN với nhà trường.

VƯƠNG HOÀNG ANH, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức: Đào tạo kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên

Đào tạo nghề trong cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 2

Trong thời đại công nghiệp 4.0, ngoài giỏi tay nghề thì tác phong công nghiệp của sinh viên cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, đa số các trường ở khối ngành kỹ thuật hiện tập trung nhiều thời gian cho sinh viên rèn luyện tay nghề trong các nhà xưởng, tại DN, do đó các bạn hạn chế trong việc tham gia rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội, hoạt động cộng đồng và hạn chế tiếp cận phương pháp làm việc mới nhất, hiện đại nhất. 

Nhà trường cũng đã tranh thủ thời gian giữa các kỳ thực tập tổ chức những buổi báo cáo chuyên đề, mời chuyên gia đến nói chuyện, hỗ trợ sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội, song do chi phí mời chuyên gia tương đối cao nên việc tổ chức các buổi rèn luyện không nhiều, sự tương tác giữa báo cáo viên và sinh viên chưa đạt hiệu quả cao. 

Tôi mong muốn TPHCM quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia về thực hành xã hội có kinh nghiệm để hỗ trợ học sinh, sinh viên các trường theo định kỳ, bài bản, thay bằng việc mạnh trường nào trường đó mời như hiện nay. Ngoài ra, nhà trường cũng cần xây dựng lại thời khóa biểu thực hành cho sinh viên, lồng ghép vào đó các buổi đào tạo nghề cập nhật theo xu hướng mới của các nước, để các bạn vừa được cọ xát thực tế công việc vừa cập nhật được cái mới, đáp ứng nhu cầu của DN.


TRẦN THỊ PHƯƠNG THANH: Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh: Tạo động lực để sinh viên rèn luyện

Vào trường trung cấp nghề, chúng tôi vừa được đào tạo văn hóa, vừa được đào tạo nghề với thời gian 4 năm. Việc đào tạo nghề hiện nay trong trường chủ yếu là thời gian thực hành. Giảng viên chỉ giảng phần nhập môn, còn lại là thời gian sinh viên nghiên cứu theo hướng dẫn của giảng viên và những giờ thực hành. Nhà trường cũng đã đầu tư phòng thực hành, trang thiết bị máy móc giống với công nghệ của các công ty, DN.

Song, tôi cũng mong muốn sau khi học hết năm thứ 2 thì nhà trường hoặc khoa sẽ đối thoại cùng sinh viên, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như tạo điều kiện cho chúng tôi được đăng ký ngành nghề theo đam mê. Bởi, sau 2 năm học, chúng tôi mới phần nào hiểu rõ về từng ngành nghề, về cơ hội việc làm sau khi ra trường...

Nếu được đăng ký học chuyên sâu ngành nghề mình đam mê, xác định trước công việc mình yêu thích, tập trung phấn đấu học vì công việc đó, ra trường làm đúng công việc mình đã chọn, thì chắc hẳn sẽ không còn nhiều trường hợp sinh viên làm trái ngành hay “chới với” khi ra trường không biết làm gì.

Ngoài ra, tôi cũng hy vọng TPHCM sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc thi tay nghề để sinh viên có sân chơi cạnh tranh lành mạnh, trau dồi bổ sung kiến thức, làm quen với các bạn kỹ sư chuyên ngành trong tương lai. Đặc biệt, sau mỗi cuộc thi, những nhân tố tiêu biểu sẽ được kết nối để có cơ hội việc làm, nhận được sự đầu tư phù hợp, đó sẽ là động lực để sinh viên các trường nghề phấn đấu rèn luyện.  

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    THU HƯỜNG ghi