6 trở ngại thường gặp khi bắt đầu công việc mới

  • 02/12/2019
  • 3531

Bắt đầu công việc mới đồng nghĩa với việc mở đầu một chương mới trong sự nghiệp của bạn. Mặc dù sự chuyển tiếp này hứa hẹn nhiều điều thú vị nhưng đồng thời nó cũng tạo cho bạn khá nhiều áp lực, cụ thể là bạn sẽ gặp nhiều trở ngại, cho dù đó là công việc thứ 3 hoặc thứ 4 của bạn. Dưới đây là 6 thử thách mà hầu hết mọi người đều trải nghiệm ở công việc mới và cách giúp bạn thoát khỏi sự lo lắng cũng như lấy lại sự tự tin, hãy cùng tham khảo nhé.

Quá tải thông tin

Một trong những khía cạnh khó khăn nhất khi bắt đầu công việc mới là phải nhanh chóng bắt kịp các thành viên còn lại trong nhóm của bạn, đặc biệt nếu bạn đang thay thế ai đó. Mặc dù đồng nghiệp và người quản lý hiểu rằng sẽ cần thời gian để bạn thích nghi nhưng công việc không thể chờ đợi bạn.

 

Vì vậy, bạn có thể thấy mình bị quá tải với quá nhiều thông tin. Những gì bạn có thể làm để giảm bớt căng thẳng là ghi chú tất cả những điều bạn nghe và những gì bạn được mong đợi, hỏi nhiều câu hỏi và làm rõ các thắc mắc. Điều này không chỉ giúp bạn nắm bắt tốt thông tin mà còn nhận được sự tin tưởng của người quản lý.

 

Không có nhiều việc để làm

Trong khi một số nhân viên mới phải đối mặt với tình trạng quá tải công việc thì cũng có nhiều người khác rơi vào trường hợp ngược lại: không có nhiều việc để làm. Nếu người quản lý hoặc các thành viên trong nhóm có lịch trình đặc biệt bận rộn vào thời gian bạn bắt đầu làm việc, có nhiều khả năng bạn sẽ phải làm những công việc phụ trợ không liên quan nhiều đến nhiệm vụ chính của mình. Nhìn về mặt tích cực, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều từ các nhiệm vụ nhỏ này bởi nó giúp bạn hiểu thêm về hoạt động bên trong của một doanh nghiệp mà có thể bạn sẽ không bao giờ biết được nếu không làm.

 

Nhưng nếu bạn cảm thấy không đủ việc để làm, đừng ngại chủ động yêu cầu được giao thêm việc. Chờ đợi thụ động chỉ khiến bạn bị đánh giá thấp mà thôi. Trong trường hợp mọi người quá bận thì hãy sử dụng thời gian “chết” của bạn một cách hiệu quả như cập nhật các thông tin mới về ngành nghề, xem lại các tài liệu về sản phẩm/dịch vụ của công ty hoặc thực hành các phần mềm mới...

 

Phù hợp với văn hóa công ty

Mỗi nơi làm việc đều có văn hóa riêng và có thể bạn đã biết sơ qua về văn hóa công ty trong quá trình phỏng vấn, nhưng nghe nói và thực tế là hai điều khác nhau. Khi bắt đầu công việc, bạn cần hòa nhập vào văn hóa công ty để thực sự là một phần của đội nhóm.

 

Một thái độ lịch sự và thái độ làm việc cởi mở, tích cực tham gia vào các cuộc trò chuyện nhóm hoặc bất kỳ sự kiện nào sẽ giúp bạn hòa nhập một cách dễ dàng. Trái lại, nếu không hòa đồng với các thành viên trong nhóm hoặc tỏ ra xa cách với người quản lý có thể khiến bạn kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.

 

Cân bằng giữa tự tin và kiêu ngạo

Khi bạn hào hứng với công việc mới của mình thì việc đóng góp ý tưởng ngay lập tức là điều tự nhiên. Nhiệt tình tham gia ngay từ đầu cho thấy rằng bạn quan tâm đến việc hợp tác với các đồng nghiệp và tăng thêm giá trị cho công ty. Thế nhưng, nếu không có kiến thức cơ bản về quy trình, các quy tắc và mục tiêu của đội nhóm thì việc liên tục đưa ra các ý kiến đóng góp có thể khiến bạn bị hiểu lầm. Đưa ra các ý tưởng cho thấy sự tự tin của bạn nhưng nếu tâm huyết quá mức, bạn sẽ bị đánh giá là người kiêu ngạo. Và thực tế là, các nhân viên cũ có xu hướng sẽ không thích một người mới nghĩ rằng họ đã biết tất cả mọi thứ về công ty khi chỉ mới bắt đầu.

 

Quản lý thời gian

Thử thách này theo tất cả mọi người từ công việc cũ đến nghề nghiệp mới. Quản lý thời gian hiệu quả là yếu tố rất quan trọng và để bắt kịp tất cả các thông tin trong khi vẫn kiểm soát được thời gian thực hiện nhiệm vụ là điều hết sức khó khăn. Một trong những cách để giảm bớt áp lực này là viết ra tất cả các nhiệm vụ và sắp xếp các ưu tiên hợp lý. Bằng cách tập cho mình một thói quen tốt ngay từ đầu, bạn sẽ rèn luyện được kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả hơn và công việc của bạn cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.

 

Xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp mới

Có thể nhiều đồng nghiệp của bạn sẽ thân thiện và tự giới thiệu với bạn trong ngày đầu tiên, nhưng nếu muốn hình thành mối quan hệ lâu dài với họ trong văn phòng, bạn sẽ phải duy trì việc giao tiếp. Việc ghi nhớ được hàng loạt tên và khuôn mặt là rất khó, chưa nói đến bất kỳ chi tiết cá nhân nào về các đồng nghiệp mới của bạn. Do đó, hãy ghi chú một số thông tin sơ bộ bạn có được về họ như sở thích hay nơi ở.

Điều này sẽ giúp bạn bắt đầu cuộc trò chuyện một cách tự nhiên nhất có thể vào lần tới khi bạn gặp họ và từ đó xây dựng được mối quan hệ lâu dài.

Theo https://www.careerlink.vn