Đồng lương và vị trí việc làm

  • 11/11/2019
  • 5839

Trả lời chất vấn của các ĐBQH tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Để tránh chuyện cào bằng trong trả lương, từ năm 2021 sẽ trả lương theo vị trí việc làm để khuyến khích người lao động, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, khi thời điểm trả lương theo vị trí việc làm đã đến gần mà công tác đánh giá cán bộ vẫn không mấy nhúc nhích thì việc trả lương này sẽ khó mà đúng người, đúng việc.

Đồng lương và vị trí việc làm

Tinh giản biên chế chưa được thì trả lương theo vị trí việc làm cũng gặp khó khăn.

Rất khó triển khai chủ trương trả lương theo vị trí việc làm, nhiều địa phương khi thực hiện chủ trương này đã cho biết như vậy. Tại nghị trường, ĐBQH Phạm Như Hiệp đặt vấn đề: Trong thực tiễn, việc triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do được thực hiện trên diện rộng, nhiều ngành, nhiều địa phương. Vị ĐBQH này muốn xin ý kiến của người đứng đầu Bộ Nội vụ tư vấn thêm cho địa phương cách thức tìm người phù hợp cho vị trí việc làm cần phải thực hiện như thế nào cho hiệu quả.

Trả lời, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, từ năm 2021 sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và trả lương theo vị trí chức danh chức vụ lãnh đạo. Cụ thể là, đối với những người có chức danh, chức vụ lãnh đạo, sẽ trả lương theo chức danh tương ứng để giữ ngạch công chức quy định. Còn đối với những công chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, hiện nay có hai luồng ý kiến khác nhau: Thi nâng ngạch để hưởng lương; hay là thi theo vị trí việc làm để hưởng lương theo ngạch?  Bộ trưởng cũng cho biết, cá nhân ông “chọn thi theo vị trí việc làm để hưởng lương theo ngạch, vì đề án của chúng ta là đề án trả lương theo vị trí việc làm”. Theo đó, tương đương với vị trí việc làm này sẽ hưởng ngạch chuyên viên cao cấp, tương đương với vị trí việc làm kia sẽ hưởng ngạch chuyên viên chính.

 “Đề án vị trí việc làm lần này chỉ chia làm 4 nhóm: Nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nhóm chuyên môn nghiệp vụ; Nhóm chuyên môn nghiệp vụ dùng chung, ví dụ Văn phòng, Thanh tra, Kế toán; Nhóm phục vụ. Chúng ta chia làm bốn nhóm để dễ xếp lương. Các vị trí việc làm này phải tương ứng với cơ cấu tiền lương để bảo đảm hài hòa với các ngành khác trong hệ thống chính trị của chúng ta” - Bộ trưởng Nội vụ nói.

Như vậy, việc trả lương từ năm 2021 sẽ trả theo vị trí việc làm và có thể được trả cho nhiều nhóm như ý kiến của người đứng đầu ngành Nội vụ. Nếu trả lương theo vị trí chứ không trả lương theo hệ số với bảng lương rối rắm với quá nhiều thang, bậc như trước đây chắc chắn sẽ được dư luận đồng tình. Bởi như chúng ta đã biết trước đây, chúng ta áp dụng trả lương theo hệ số và lên lương theo năm công tác của cán bộ. Điều này có nghĩa người làm lâu được hưởng lương cao và ngược lại. Vì vậy dân gian mới có câu “sống lâu lên lão làng”, mà trong thực tiễn không phải cứ người nhiều tuổi thì đóng góp nhiều hơn và làm việc tốt hơn.

Đánh giá cao chủ trương trả lương theo vị trí việc làm, nhưng vấn đề khó nhất theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh là làm sao xác định được vị trí việc làm cho thật chuẩn. Đây là vấn đề khó khiến các cơ quan, bộ ngành phải suy nghĩ. Bởi “vừa rồi trong Đề án cải cách chính sách tiền lương cũng có xây dựng vị trí việc làm, theo đó, có quyết định công nhận mỗi địa phương, cơ quan, bộ, ban, ngành có bao nhiêu vị trí việc làm rồi nhưng sau khi xây dựng vị trí việc làm thì tất cả các bộ ngành đều tăng thêm biên chế. Như vậy, xây dựng vị trí việc làm là bắt buộc nhưng xây dựng thế nào cho chuẩn, cho đúng mới là quan trọng. Nếu xây dựng vị trí việc làm không đúng, không chuẩn thì việc trả lương cũng bị sai lệch, méo mó”- ông Dĩnh nói.

Đặc biệt, khi xác định vị trí việc làm để trả lương thì phải dựa trên cơ sở đánh giá là hiệu quả công việc. Nhưng trên thực tế, việc đánh giá hiệu quả công việc cũng lại là một băn khoăn lớn. Thế mới có chuyện dư luận bức xúc rằng có tới 30% công chức “cắp ô” trong nền công vụ nhưng mới đây Bộ Nội vụ vẫn công bố một con số giật mình: Tổng hợp báo cáo của hơn 40 tỉnh và các bộ, ngành, có đến hơn 67% công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, hơn 27% hoàn thành xuất sắc, còn lại là hoàn thành nhiệm vụ nhưng có mặt hạn chế, và chỉ 0,63% không hoàn thành nhiệm vụ (!)

Để tránh tình trạng đánh giá không thực chất cán bộ và trả lương theo vị trí việc làm, mới đây, trả lời chất vấn ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà về nội dung liên quan tới chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp, trong đó có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời”. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khoẻ, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, chú trọng công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thực chất. Đặc biệt, sẽ thực hiện nghiêm túc việc phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi nền công vụ.    

 Nguồn: http://daidoanket.vn/