Chuyện đàm phán lương từ A đến Z (Phần 2)

  • 09/10/2019
  • 4842

Đàm phán lương là chu kỳ sẽ lặp đi lặp lại xuyên suốt quá trình làm việc của mỗi người. Phỏng vấn công ty mới, thương lượng mức lương nhận việc, rời khỏi vị trí hiện tại, bắt đầu công việc mới, đề nghị tăng lương một hoặc hai lần, sau đó lại tìm kiếm các cơ hội mới, tiếp tục đi dự phỏng vấn và cân nhắc lời mời làm việc…

3# TIẾP TỤC ĐÀM PHÁN SAU KHI ĐÃ GỬI PHẢN HỒI

Một khi đã gửi email phản hồi về mức lương đề nghị, hãy nhanh chóng chuẩn bị kịch bản cho Final Disscusion. Đây thường là cuộc trò chuyện từ 3-5 phút qua điện thoại để nhà tuyển dụng trả lời cho phản hồi của ứng viên, còn ứng viên sẽ làm rõ tất cả chi tiết quan trọng trong đề nghị của mình. Mọi quyền lợi về mức lương căn bản lẫn các phúc lợi quan trọng khác được thương lượng như thế nào và “chốt hạ” ra sao hầu như đều thực hiện vào lúc này.

Những quyền lợi khác ngoài lương nào cần được quan tâm?

Trong hầu hết thời gian, nhiệm vụ của bạn là tập trung đàm phán để tối đa mức lương cơ bản ký hợp đồng làm việc. Nhưng vào những giai đoạn quan trọng và phù hợp, cũng nên thoả thuận thêm về các đặc quyền hoặc phúc lợi đi kèm cho gói chi trả của mình như: cơ hội đào tạo nâng cao, thời gian nghỉ phép, tiền thưởng kết quả công việc, hoa hồng cho doanh số, chi phí chuyển chỗ ở, phụ cấp ăn trưa, điện thoại, đi lại hoặc gửi xe… Không hiếm trường hợp, giá trị của các quyền lợi phụ kèm theo còn lớn hơn cả mức tăng lương chính thức bạn thương lượng được. 

Có nên thương lượng chia cổ phần?

Cổ phần công ty là một quyền lợi phụ, tuy không phải lương nhưng thuộc nhóm tiền tệ, có thể cực kỳ giá trị hoặc hoàn toàn vô giá trị. Nguyên tắc đơn giản để đàm phán nhận cổ phần là nếu bạn có thể đánh giá được giá trị thực sự của cổ phần đó ngay tại thời điểm hiện tại thì nó có giá trị. Còn không xác định được hoặc không thể nhìn thấy giá trị khả thi nào trong tương lai gần, có lẽ tốt hơn là nên dành nỗ lực để thương lượng thứ khác có giá trị rõ ràng hơn

Viết kịch bản cho Final Discussion

Khi đã có đủ thông tin trong tay, bạn cần nhanh chóng lập kế hoạch cho cuộc thảo luận cuối cùng.          

Dưới đây là các thông tin chính bạn phải có để lên kịch bản:

  • Mức đề nghị từ nhà tuyển dụng (Job Offer)
  • Con số trong phản hồi đối ứng của bạn (Counter Offer)
  • Mức lương tối thiểu bạn cho phép
  • Ba nhóm quyền lợi hàng đầu bạn nhắm tới

Thực hành thật nhiều là bí quyết để trở nên thoải mái, tự tin và quen thuộc với việc thảo luận ra quyết định hơn. Hãy diễn tập vài lần trước khi thực sự vào cuộc. Có thể nhờ một người bạn đóng vai nhà tuyển dụng, và đưa ra các phản biện hoặc tìm kiếm sơ hở của bạn. Với kịch bản trong tay cùng với sự chăm chỉ luyện tập, bạn sẽ thấy cuộc “đối đầu” sắp tới không còn áp đảo hoặc gây bối rối nữa. Bởi vì đã chuẩn bị sẵn sàng, bạn sẽ vượt qua Final Discusstion nhanh đến mức bản thân còn không kịp nhận ra, chưa kể kèm theo đó là cảm giác hài lòng khi tự tin chinh phục được mục tiêu.

4# VIỆC CẦN LÀM KHI ĐÃ KẾT THÚC ĐÀM PHÁN

Khi đã hoàn tất đàm phán về gói quyền lợi và xác định ngày nhận việc, bạn cần phải thu xếp ổn thoả mọi việc tại công ty cũ của mình thật chuyên nghiệp. Nhiều người dễ dàng bỏ qua bước này với tâm trạng phấn khởi vì công việc mới. Tất nhiên là bạn hào hứng với cơ hội mới mẻ vừa giành được và muốn tập trung vào nó, nhưng đừng phá vỡ những giá trị mình đã xây dựng được trong quá khứ. Hãy thương người đến sau và ra đi trong hình ảnh chuyên nghiệp nhất mà bạn có thể!

Không bao giờ là quá sớm để suy nghĩ về cơ hội tiếp theo của mình trong sự nghiệp. Càng chuẩn bị kỹ lưỡng thì cuộc phỏng vấn nói chung và đàm phán lương nói riêng sẽ càng thuận lợi. Tận dụng tốt những lời khuyên và chỉ dẫn đúng đắn thì cánh cửa sự nghiệp mơ ước sẽ rộng mở với bạn. CareerBuilder.vn chúc bạn luôn có những trải nghiệm thật dễ chịu và suôn sẻ khi đối diện với nhà tuyển dụng tiềm năng nhé!

(Nguồn ảnh: Internet)

Theo CareerBuilder.vn