Phải để doanh nghiệp thấy được lợi ích, trách nhiệm đào tạo nghề

  • 07/10/2019
  • 4241

Thực tế cho thấy, việc doanh nghiệp và nhà trường cùng hợp tác đào tạo lao động đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Song đến nay số trường nghề hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp vẫn còn rất ít. Để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên cần thêm vai trò hỗ trợ của nhà nước.

Hợp tác với doanh nghiệp là yếu tố sống còn của trường

Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam-Hàn Quốc TP Hà Nội (VHH) là một trong những trường được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lựa chọn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ưu tiên đầu tư tập trung đồng bộ theo tiêu chí trường chất lượng cao. Không những thế, trường này cũng được UBND TP Hà Nội chủ trương đầu tư trở thành trường Chất lượng cao theo mô hình Hàn Quốc thông qua việc đầu tư xây dựng với số vốn trên 350 tỷ đồng. VHH cũng là trường duy nhất của Hà Nội được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư 6 triệu USD phục vụ trang thiết bị, máy móc, chương trình, giáo trình, bồi dưỡng giáo viên để đào tạo 6 nghề đạt chuẩn Hàn Quốc. Trong đó, nghề cắt gọt kim loại được đầu tư kinh phí lên tới gần 2 triệu USD; cơ điện tử được đầu tư gần 1 triệu USD; các nghề Hàn, Điện Công nghiệp… cũng được đầu tư gần 500.000 USD với thiết bị đồng bộ đủ để đào tạo hàng nghìn sinh viên…

Theo ông Bùi Kim Dương, Phó Hiệu trưởng trường VHH, trường còn hợp tác với nhiều công ty Hàn Quốc như: Samsung, LS Vina, LG Display; LS Cable; Mediatek; Bangjoo; Youil; Sam OH; GEOSAN… để đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường. Hàng năm trường đều ký kết biên bản ghi nhớ với các trường Hàn Quốc như đại học Bách Khoa Hàn Quốc, đại học Công nghệ và Giáo dục Hàn Quốc để nhận chuyển giao công nghệ, trao đổi sinh viên, sinh viên tình nguyện...

Đặc biệt, năm 2018, trường đã ký biên bản ghi nhớ 4 bên với đại học Chungbuk, Hội doanh nghiệp quận Okcheon và Chính quyền quận Okcheon, Hàn Quốc thành lập Trung tâm tiếng Hàn tại trường để thực hiện chương trình đào tạo cung ứng nguồn nhân lực cho quận Okcheon (Hàn Quốc). Cũng chính vì thế, nguồn tuyển sinh của nhà trường luôn dồi dào, ngay trong năm đầu tiên tuyển sinh 2015 đã tuyển được 471 sinh viên, năm 2016, con số này đã tăng lên hơn 700 em. Năm học 2019-2020 này, chỉ tiêu dự kiến của trường là 955…

Tương tự, hiện trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội cũng đang đào tạo 16 ngành nghề, trong đó có nhiều ngành hot trên thị trường lao động như: Công nghệ thông tin, Quản trị mạng máy tính, Thương mại điện tử, Quản trị nhà hàng, Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử…

TS Nguyễn Công Đại, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội cho biết, nhà trường đã chủ động đổi mới, đào tạo ngành, nghề xã hội, thí sinh cần, thay vì ngành trường có. Nếu như trước kia, chương trình đào tạo của trường được thiết kế theo hướng mạnh về hàn lâm với tỷ lệ 70% lý thuyết, 30% thực hành thì hiện nay, chương trình được thay đổi theo hướng 30% lý thuyết, 70% thực hành. Trường cũng mạnh dạn rút ngắn thời gian đào tạo từ 3 năm xuống 2 năm, đào tạo những kiến thức cần thiết nhất để sinh viên có thể sớm gia nhập thị trường lao động nhưng vẫn tự tin có đầy đủ kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn quốc gia 8 bậc. Xác định gắn kết với doanh nghiệp là yếu tố sống còn, hiện nay, trường đang hợp tác với 40 doanh nghiệp thuộc các ngành, nghề như Kinh tế, Thương mại, Kỹ thuật… Trước đây, sinh viên chủ yếu học tập tại trường thì nay việc giảng dạy còn diễn ra tại doanh nghiệp. Trong quá trình học, sinh viên có 2 đợt thực tập tại doanh nghiệp ngay khi kết thúc năm thứ nhất và cuối khóa. Thay vì để sinh viên tự chọn, trường cũng sẽ chỉ định doanh nghiệp thực tập để qua đó kiểm soát chặt chất lượng thực tập của sinh viên.

Cần sự hỗ trợ của nhà nước

Thực tế, các trường nghề hợp tác với doanh nghiệp đã mang lại lợi ích rõ rệt cho nhà trường, doanh nghiệp, người học và xã hội. Song hiện nay số trường nghề “bắt tay” với doanh nghiệp để cùng tham gia hợp tác đào tạo vẫn chỉ dừng lại con số nhỏ. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại 79 doanh nghiệp chỉ có 12,3% doanh nghiệp có hợp tác thường xuyên với các trường nghề. Tuy nhiên, hình thức hợp tác phổ biến nhất của các doanh nghiệp cũng chỉ dừng lại ở tiếp nhận người học đến thực tập. Một số doanh nghiệp tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp và cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo. Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng thừa nhận, việc doanh nghiệp tham gia với nhà trường từ khâu tuyển sinh, xây dựng giáo trình đến tổ chức đào tạo còn hạn chế.

Đứng ở góc độ nhà trường, bà Hoàng Thị Minh Phương, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh (Nghệ An) cho rằng, cả nhà trường và doanh nghiệp đều chưa chủ động hợp tác đào tạo lao động. "Trường nghề chưa chủ động đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của xã hội và doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp thụ động trong việc hỗ trợ sinh viên đến tham quan, thực tập, không có đề xuất với các trường trong định hướng phát triển đào tạo gắn với nhu cầu xã hội và doanh nghiệp", bà Phương cho biết.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên nhân dẫn đến hạn chế mối quan hệ này là do khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa được áp dụng trong thực tiễn, thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề, thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, lợi ích khi đào tạo nghề nên không xem đây là nhiệm vụ phải quan tâm.

Từ thực tế này, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, việc kết nối doanh nghiệp với trường nghề là quy luật tất yếu. Đây là quy luật "bàn tay vỗ" khi hai cái này luôn phải song song với nhau, nhưng cần thêm vai trò hỗ trợ của nhà nước. Theo đó, trách nhiệm, vai trò, quyền lợi của doanh nghiệp phải được thể chế trong Bộ luật Lao động, được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục nghề nghiệp. Thậm chí, tiếp theo có thể phải được cụ thể hóa thêm bằng các nghị định của Chính phủ.

"Làm sao phải để doanh nghiệp thấy rằng mình được lợi gì, có trách nhiệm gì với việc đào tạo nghề. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, có lẽ chúng ta cũng không cho phép doanh nghiệp sử dụng những lao động không qua đào tạo, vì đây chính là sự phát triển bền vững của đất nước", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đỗ Hòa