Truyền thông về giáo dục nghề cho thanh niên: Cần đúng và trúng

  • 04/10/2019
  • 4390

 Những năm qua, báo chí truyền thông đã làm khá tốt việc đưa thông tin về hướng nghiệp dạy nghề cho thanh niên. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đã giảm đáng kể trong lực lượng lao động hiện nay. Đã có sự thay đổi trong nhận thức, lý luận về hướng nghiệp cho thanh niên khi nước ta đang hội nhập sâu rộng với lực lượng lao động thế giới.

Xu hướng đột phá năm 2019

Theo các chuyên gia tuyển dụng lao động, trong những năm tới, nhu cầu cao về lao động sẽ tập trung vào các ngành/nghề như: Xây dựng cầu đường bộ, Kế toán, Cơ khí chế tạo, Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ ô tô...

Hiện tại, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam đã và đang tập trung nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách thiết kế chương trình đào tạo đào tạo phù hợp với thực tế, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, phối hợp cùng doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm.

Các ngành nghề “hot” như Ngân hàng, Y Dược,... đã không còn là sự lựa chọn đầu tiên của thanh niên hiện nay. Thanh niên ngày càng được định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn từ phía gia đình, nhà trường và qua báo chí truyền thông.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã nói rõ về vấn đề hướng nghiệp đào tạo nghề, đặc biệt là cho thanh niên - tầng lớp lao động chính trong xã hội hiện nay. Trong thời gian tới, cần tập trung vào việc tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm; rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu đào tạo nghề; phát triển chương trình đào tạo; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, phương tiện, trung tâm dịch vụ việc làm - giáo dục nghề nghiệp thanh niên, các trường trung cấp thủ công mỹ nghệ, trường công lập ở những huyện chưa có trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp ở trong và ngoài nước, giáo viên giảng dạy kiến thức kinh doanh khởi sự doanh nghiệp cho lao động nông thôn.

Vấn đề năng suất lao động

Thực tế cho thấy, việc xây dựng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả cho lao động nông thôn theo từng ngành, lĩnh vực để tổ chức triển khai nhân rộng là rất cần thiết. Đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn (bình quân 1,1 triệu lao động/năm), trong đó, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 3,84 triệu lao động nông thôn, người khuyết tật, thợ thủ công, thợ lành nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

Tại Hội nghị Cải thiện Năng suất lao động quốc gia tổ chức ngày 7/8 tại Hà Nội, nhiều đại biểu đã đưa ra những con số khá thú vị. Theo đó, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. Vậy tại sao năng suất lao động của chúng ta còn thấp so với các nước, mặc dù quy mô kinh tế Việt Nam ngày càng mở rộng. Liệu có mối liên quan giữa năng suất lao động thấp và sự tối ưu trong công tác hướng nghiệp dạy nghề hiện nay? Mặc dù, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc tuyên truyền hướng nghiệp dạy nghề cho thanh niên, nhưng tại sao năng suất lao động vẫn còn thấp. Câu hỏi vẫn khó trả lời bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố từ báo chí truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, năng suất lao động chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn đối với tất cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam vì nó đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đuổi kịp các quốc gia trong khu vực. Như vậy, báo chí truyền thông cần làm gì để góp phần cùng Đảng và Nhà nước đưa đất nước phát triển mạnh hơn nữa, tăng năng suất lao động, định hướng nghề nghiệp tốt cho thanh niên hiện nay?

Đào tạo nghề Điện tử công nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa

Sự vào cuộc của báo chí truyền thông

Truyền thông cần hướng tới mục tiêu giúp thanh thiếu niên hiểu về nghề, biết được khả năng của mình và nhu cầu xã hội; tạo điều kiện cho thanh niên phát huy cao độ sở trường đích thực trong thời gian học nghề cũng như trong bước đường hoạt động nghề nghiệp tương lai.

Khi truyền thông về hướng nghiệp cần đảm bảo tính chính xác, tính thời sự của thông tin. Thông tin chính xác kịp thời sẽ định hướng được dư luận xã hội đúng đắn, từ đó giúp cho thanh niên hiểu rõ khả năng của mình và có sự lựa chọn chính xác nghề nghiệp. Trong quá trình truyền thông phải đảm bảo được độ bao phủ của thông tin, giúp thanh niên nắm bắt được thông tin kịp thời.

Đội ngũ nhà báo, phóng viên - những người trực tiếp tham gia làm chương trình về hướng nghiệp dạy nghề cần có kỹ năng viết tin, bài khi tác nghiệp cơ sở để thực hiện phóng sự, phản ánh; hiểu được mục đích truyền thông tới đông đảo học sinh, thanh niên, phụ huynh và xã hội về công tác giáo dục nghề nghiệp; đồng thời tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thanh niên, học sinh thông qua việc cung cấp thông tin tổng quan về thị trường lao động, cơ hội việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường.

Các cơ quan báo chí đăng tải các bài viết phân tích, bình luận, phản biện về doanh nghiệp, các ngành nghề, lĩnh vực xã hội nên có chuyên trang/chuyên mục hướng nghiệp, chú trọng đưa tin về những nghề nghiệp mới trên các dòng sự kiện, tiêu điểm,... Trong đó, truyền hình đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thông tin hướng nghiệp. Những thông tin trên truyền hình có sức mạnh và tầm ảnh hưởng to lớn đến nhận thức chung của thanh niên. Do đó, truyền hình cần đăng tải những gương người tốt việc tốt liên quan đến những nghề nghiệp “cần thợ” như nghề tay chân, nghề kỹ thuật.

Để thúc đẩy nhận thức trong thanh niên, nên hỗ trợ quảng cáo và truyền thông về hướng nghiệp bằng các chương trình truyền thông thực tế rộng rãi; tạo các diễn đàn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hướng nghiệp cho thanh niên đặc biệt là thanh niên đang ngồi trên ghế nhà trường và thanh niên nông thôn./.

                                                                                                                                                                                                                      Từ Hải - Bá Nam - Kim Dung