“Xác sống công sở” kìm hãm sự phát triển doanh nghiệp

  • 04/10/2019
  • 6107

VOV.VN - "Xác sống công sở” là nhóm người lao động đi làm nhưng mất động lực, thiếu nỗ lực, tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp.

Thực trạng nghỉ việc đang là vấn đề đáng lo ngại nhất trong vòng 4 năm qua. Thế nhưng, quan ngại hơn là có trên 30% số nhân lực dù không hề gắn kết với doanh nghiệp nhưng lại không có ý định nghỉ việc, được so sánh như những "xác sống công sở”. Đây là nhóm người lao động đi làm nhưng mất động lực, thiếu nỗ lực, tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp.

Vấn đề này được đưa ra phân tích tại Hội nghị Nguồn nhân lực hạnh phúc năm 2019 do Công ty nghiên cứu về nhân sự, giải pháp thương hiệu, nhà tuyển dụng Anphabe và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức.

"xac song cong so" van con chiem ti le kha lon hinh 1
Một số người lao động đi làm nhưng mất động lực, thiếu nỗ lực.

Theo khảo sát của Anphabe, tỷ lệ lao động nghỉ việc đang gia tăng liên tục trong vòng 3 năm qua và dự đoán sẽ cán mốc đáng báo động 24% trong năm 2019. Cao nhất vẫn là nhóm lương dưới 10 triệu với tỷ lệ 29%. Tuy nhiên, ở các cấp bậc cao hơn như trưởng nhóm, quản lý, giám đốc… lương càng cao thì dự định nghỉ việc càng nhiều, nhất là 4 phòng ban quan trọng trong doang nghiệp là tiếp thị, tiếp thị bán hàng, công nghệ thông tin và tài chính.

Không chỉ tỷ lệ nghỉ việc đang gia tăng, mà nhóm những nhân viên dù đang có ý định nghỉ việc nhưng nỗ lực vẫn cao (gọi là thất thoát đáng tiếc) đang nhảy vọt gấp 3 lần so với năm 2018. Việc này khiến cho doanh nghiệp có tổn thất rất lớn. Bởi vì để tuyển dụng, ít nhất phải mất từ 15-20% lương năm của vị trí đó để tìm được 1 người thay thế. Nếu người ra đi là người giỏi và nỗ lực cao, “thất thoát” sẽ cao hơn nhiều, về các kiến thức và mối quan hệ, chi phí đào tạo người mới….

Bà Thanh Nguyễn, CEO của Anphabe cho biết, khảo sát của đơn vị này cũng cho thấy những nhân viên không gắn kết, không làm việc hết sức mình, nhưng cũng không ra đi mà làm việc kiểu cầm chừng, dưới khả năng hay còn gọi là "xác sống công sở" chiếm tỉ lệ khá lớn.

CEO này phân tích: Bản thân người nhân viên như “xác sống” này đang cống hiến ở mức thấp hơn nhân viên bình thường, nhưng vẫn tồn tại được trong doanh nghiệp do quản lý, lãnh đạo trực tiếp lỏng lẻo, chi trả phúc lợi dàn trải. Các doanh nghiệp phải luôn lưu tâm đến vấn đề này.

“Một mặt cần cho họ thách thức để khởi gợi động lực tự thân của họ tốt hơn, để họ cố gắng hơn, đồng thời cần có những cách thức quản trị hiệu suất để đo lường được giá trị họ tạo ra và thưởng họ trên giá trị họ tạo ra sẽ tạo ra môi trường có tính cạnh tranh cao và hiệu quả chuyên nghiệp”, CEO Thanh Nguyễn nêu giải pháp./.

Theo "Kim Dung/VOV-TP HCM"