Tạo dựng nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường chất lượng cao

  • 02/10/2019
  • 5078

Tài nguyên và Môi trường là ngành đa lĩnh vực, do đó, nguồn nhân lực cho ngành luôn là vấn đề được Bộ TN&MT quan tâm và đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay, cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành TN&MT và Bộ đã có nhiều chủ trương, định hướng đúng để giải quyết vấn đề này. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân.

PV: Thưa Thứ trưởng, Thứ trưởng đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành TN&MT hiện nay?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:

Hiện nay, đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của ngành TN&MT ở Trung ương có trên 1.000 công chức ở các cơ quan hành chính, hơn 10.000 viên chức, người lao động ở các đơn vị sự nghiệp và ở địa phương có trên 30.000 người (gần 20.000 công chức và 10.000 viên chức, người lao động). Đó là chưa kể đến nhân sự chuyên trách về TN&MT trong các khu công nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước, tổng công ty và lực lượng cảnh sát môi trường.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, Ban cán sự, lãnh đạo Bộ đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn của Bộ về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Ngoài ra, Bộ TN&MT đã xây dựng và ban hành các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức 5 năm và hàng năm để triển khai thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành TN&MT. Bộ đã tích cực chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài.

Bộ đã thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT trên cơ sở kế thừa, sắp xếp và tổ chức lại 6 Trung tâm có chức năng đào tạo, bồi dưỡng trước đây trực thuộc các trường, các viện, các tổng cục trực thuộc Bộ. Đây là bước đi quan trọng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ về đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung đầu mối, nguồn lực nhằm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực của ngành TN&MT.

Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị huy động các nguồn kinh phí khác từ các chương trình, đề tài, đề án, dự án trong nước và nước ngoài hoặc từ nguồn kinh phí phát triển của các đơn vị sự nghiệp để tăng cường cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Bộ quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức tại các địa phương. Các cơ sở đào tạo đã phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý TN&MT dành cho lãnh đạo Sở; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức TN&MT; bồi dưỡng cho công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã về đất đai và môi trường và tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Description: T9a

Huy động các nguồn kinh phí để tăng cường cho công tác đào tạo,

bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành TN&MT. Ảnh: HM

 PV: Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành TN&MT, theo Thứ trưởng có những vấn đề gì thuận lợi, khó khăn nhất?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:

Kể từ khi thành lập Bộ TN&MT, công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ, cấp ủy đảng và các cấp lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, bảo đảm chất lượng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức của ngành. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025. Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT đã xây dựng và ban hành nhiều Quy hoạch, Chiến lược, Đề án nhằm định hướng và là công cụ để tổ chức thực hiện tốt, bài bản công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành TN&MT.

Bộ hiện có 2 Trường Đại học và 3 Viện đang đào tạo trình độ sau đại học là các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực TN&MT chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Bộ đã thiết lập được mạng lưới một số các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành TN&MT để tăng cường sự hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, Bộ còn có Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài TN&MT là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành từ Trung ương đến địa phương.

Công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dương cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ quy hoạch và cán bộ trẻ có tiềm năng đã được quan tâm thực hiện. Việc tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đã được thực hiện bài bản, khoa học, tập trung vào các nội dung bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc cho cán bộ ngành từ Trung ương đến địa phương.

Mặc dù vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành TN&MT còn những khó khăn nhất định. Hệ thống văn bản quy định, quản lý về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chưa đầy đủ và đồng bộ, chưa có quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức để thực hiện thống nhất trong các cơ sở đào tạo.

Nguồn lực đầu tư cho công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị phục vụ học tập, giảng dạy.

Việc thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo về TN&MT nhằm hình thành các liên kết vùng, khu vực, tạo dựng các diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong quản lý giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Tuy vậy, thực hiện quy hoạch này còn có nhiều khó khăn do chưa có quy định cụ thể về cơ chế thực hiện và cần có sự phối hợp với nhiều cơ quan, cần nhiều nguồn lực để thực hiện. Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ học tập và tự học, để nâng cao trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành TN&MT hiện nay rất lớn, tuy vậy, số lượng được đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu do kinh phí còn hạn chế, đặc biệt, kinh phí dành cho viên chức, chủ yếu là tự túc từ phía người học.

PV: Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành TN&MT, Bộ TN&MT đã có những định hướng và giải pháp gì trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:

Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết, cần tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, lãnh đạo các đơn vị về công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và sử dụng nhân lực ngành TN&MT.

Chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển trường với tầm nhìn đến năm 2035; phấn đấu đến năm 2025, trở thành trường đại học trọng điểm về đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực tài nguyên và môi trường cho cả nước; các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của ngành TN&MT và Đề án Đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học và công nghệ.

Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học công nghệ của ngành TN&MT và thu hút cán bộ có trình độ cao, có tài năng vào làm việc trong ngành. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ ngành thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường hơn nữa việc huy động các nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, nguồn viện trợ, tài trợ, các nguồn kinh phí hợp pháp khác và đa dạng hóa các nguồn lực tài chính để thực hiện công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng.

Rà soát, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực tiễn lãnh đạo, quản lý, nhất là trong lĩnh vực quản lý Nhà nước; đi sâu vào rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ và tổng kết thực tiễn; chú trọng đến bồi dưỡng kỹ năng mềm, kỹ năng hành chính, kỹ năng chuyên ngành để nâng cao năng lực làm việc; nghiên cứu xây dựng nội dung, chương trình đào tạo dành riêng cho từng đối tượng thống nhất trong phạm vi cả nước.

Tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, báo cáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng. Xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học; tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương để thực hiện tốt công tác tuyển sinh và đào tạo theo nhu cầu thiết thực của đơn vị sử dụng nguồn nhân lực.

 PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! 

Ông Nguyễn Phi Sơn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ: Thực hiện 4 nhóm giải pháp

Tại Việt Nam, đào tạo tiến sĩ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ hiện chỉ có Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ và Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Do vậy, số lượng nghiên cứu sinh tốt nghiệp ra trường còn ít.

Viện đã được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ từ năm 2012 đến nay. Theo tôi, có 4 giải pháp cần phải được đẩy mạnh trong thời gian tới để thúc đẩy chất lượng đào tạo cũng như toàn bộ công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của lĩnh vực đo đạc bản đồ.

Một là, xây dựng được mạng lưới cộng tác viên, người hướng dẫn khoa học cho các nghiên cứu sinh, có trình độ, có kinh nghiệm và lòng nhiệt tình trong công tác đào tạo.

Hai là, nâng cao cơ sở vật chất, cơ sở đào tạo khoa học. Kết hợp công tác đào tạo với thực tiễn, các vấn đề về khoa học công nghệ, trắc địa bản đồ cũng phải được cập nhập liên tục để đưa vào các chương tình đào tạo.

Ba là, định hướng rõ các vấn đề nghiên cứu, các xu hướng khoa học của thế giới, các yêu cầu của Việt Nam cũng như chuyên sâu, chuyên ngành của các đơn vị mà lĩnh vực đo đạc bản đồ đang phải thực hiện.

Bốn là, tạo ra được cơ chế tốt để hỗ trợ cho nghiên cứu sinh trong đào tạo.

Thực hiện được 4 nhóm giải pháp trên, tôi cho rằng, có thể thúc đẩy được công tác đào tạo, các cơ sở đào tạo và đặc biệt trong lĩnh vực đo đạc bản đồ, khoa học Trái đất. 

Xuân Phương

Bà Huỳnh Thị Lan Hương -  Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu: Hợp tác quốc tế để chuyên sâu

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu được giao nhiệm nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ từ 1982. Hiện nay, Viện đang đào tạo trình độ tiến sĩ cho 5 ngành: Khí tượng và khí hậu học; Thủy văn học; Hải dương học; Quản lý Tài nguyên Môi trường; Biến đổi khí hậu.  

Đến nay, Viện đã đào tạo được trên 50 tiến sĩ thuộc các ngành Khí tượng và khí hậu học, Thủy văn học, Hải dương học và Quản lý TN&MT. Đặc biệt, Viện là đơn vị duy nhất trong nước được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ ngành Biến đổi khí hậu.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy uy tín của Viện trong công tác đào tạo trình độ tiến sĩ và tiếp cận nền khoa học của các nước tiên tiến, Viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, mời các chuyên gia là người Việt đang giảng dạy tại nước ngoài cung cấp các bài giảng và tham gia hướng dẫn các nghiên cứu sinh của Viện; tiếp tục tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh tham gia các hợp tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu với các đối tác quốc tế, cập nhật các hướng nghiên cứu mới đáp ứng nhu cầu thực tế, giúp phát triển năng lực của các nghiên cứu sinh, tạo ra những đóng góp quan trọng vào thực tế thông qua nghiên cứu khoa học chuyên sâu.

Khánh Ly

Ông Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Đào tạo phải gắn với thực tiễn

Những năm qua, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành TN&MT. Trường chú trọng thay đổi cách tiếp cận trong công tác đào tạo. Theo đó, đào tạo phải gắn với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của ngành TN&MT. Trường đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT như: Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Môi trường, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu… cùng xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, mời các chuyên gia của các đơn vị này tham gia giảng dạy và sinh viên của trường cũng đến các nơi này để thực tập.

Hiện nay, Trường đang xin phép Bộ GD&ĐT tổ chức đào tạo theo hình thức đào tạo, truyền thông trực tuyến TN&MT - đề án được trường xây dựng từ năm 2018. Dự kiến tháng 6/2020, nhà trường sẽ triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc nhằm tạo điều kiện cho người học, nhất là những người công tác trong ngành TN&MT có cơ hội tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả các văn bản, quy định, kiến thức… liên quan đến lĩnh vực TN&MT mà không phải học tập trung tại một địa điểm như cách đào tạo truyền thống hiện nay.

Mai Đan

 

 

Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn