Giảm giờ làm việc cho người lao động như thế nào là phù hợp?

  • 18/09/2019
  • 4690

VOV.VN -Trong khi cơ quan Nhà nước cho rằng cần giảm giờ làm việc cho người lao động thì đại diện các doanh nghiệp lại đưa ra những lý lẽ khác nhau.

Một trong những điều đáng chú ý của Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội là tại Điều 105 nhấn mạnh đến việc: người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết. Trường hợp theo tuần thì thời gian làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày, nhưng không quá 44 giờ trong 1 tuần.

Như vậy, so với 48 giờ/tuần như hiện nay thì Dự thảo luật điều chỉnh thời gian làm việc của người lao động giảm xuống còn 4 tiếng/tuần.

Tuy nhiên, việc giảm giờ làm hay vẫn giữ nguyên thời gian như hiện nay lại đang là vấn đề tranh luận từ phía doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước.

Những lý do chính đáng cần giảm giờ làm cho người lao động

Tại Hội nghị phản biện xã hội cho Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) diễn ra mới đây do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, bà Bùi Thị Thỏa, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra những số liệu đáng lưu ý với mong muốn cần thiết phải giảm giờ làm cho người lao động.

giam gio lam viec cho nguoi lao dong nhu the nao la phu hop? hinh 1
 

Theo đó, khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) với 154 nước và vùng lãnh thổ cho thấy, Việt Nam cùng với 40 nước khác nằm trong số nước có giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất (từ 48 giờ trở lên). Trong khi đó, chỉ có 2 nước có giờ làm việc trên 48 giờ/tuần. Như vậy, có 3/4 nước còn lại có số giờ làm việc dưới 48 giờ.

Về thời gian nghỉ phép, Việt Nam nằm trong số nước có ngày nghỉ phép khởi điểm trong năm ít nhất thế giới. Còn về nghỉ lễ, trong tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, so với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam cũng ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, trong số 63 nước khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có số giờ làm việc thực tế cao nhất (sau Campuchia và Bangladesh).

Còn theo khảo sát sức khỏe định kỳ của người lao động trong giai đoạn từ năm 2006-2016 cho thấy, sức khỏe của người lao động xếp loại 1 và 2 giảm 5,5%. Sức khỏe loại 3 và 4 tăng 2,5%.

Ngoài ra, theo nghiên cứu về năng suất lao động cho thấy, thời gian làm việc của người lao động dài kéo theo năng suất lao động đi xuống.

Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là giảm giờ làm việc, tăng thời gian nghỉ ngơi và cần xác định thời giờ làm việc cho người lao động. Tuy nhiên, điều này cần tính đến yếu tố sức khỏe, an toàn của người lao động, năng suất lao động và vấn đề xã hội khác.

Có ý kiến cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp thì đòi hỏi người lao động phải tăng thêm giờ làm và chăm chỉ hơn. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, năng suất lao động tăng phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng lao động và những yếu tố sản xuất khác như: công nghệ, máy móc cũng như người lao động sử dụng được những công nghệ, máy móc đó như thế nào.

Mặt khác, thời gian làm việc kéo dài và tăng ca sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của lao động nữ và có nguy cơ đối diện với việc bị ngược đãi, hành hạ do áp lực công việc; bị quấy rối tình dục khi phải đi làm về muộn. Ngoài ra, khi thời gian làm việc kéo dài, nhiều phụ nữ không có thời gian chăm sóc gia đình, con cái, cơ hội tìm bạn đời, học tập và nâng cao trình độ, tay nghề...

Chính vì lý do trên, bà Bùi Thị Thỏa đề xuất giảm giờ làm việc từ 48 giờ xuống còn 44 giờ theo xu hướng tiến bộ của thế giới hiện nay. Nếu Việt Nam vẫn còn kỳ vọng vào việc coi công nhân giá rẻ và kéo dài thời gian làm việc là lợi thế cạnh tranh thì sẽ không còn phù hợp khi mà chúng ta đặt ra mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ngoài ra, nếu áp dụng việc tăng giờ làm, tăng ca thì người lao động sẽ đối diện với bị vắt kiệt sức lao động với mức lương không đủ sống. Không chỉ họ bị ảnh hưởng mà hàng triệu thế hệ con cháu họ cũng bị ảnh hưởng khi mà phải lớn lên trong điều kiện thiếu dinh dưỡng và giáo dục.

giam gio lam viec cho nguoi lao dong nhu the nao la phu hop? hinh 2
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Đổi mới công nghệ thay vì yêu cầu làm thêm giờ

Đồng ý với quan điểm giảm giờ làm cho người lao động, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, ở một nước gần với Việt Nam là Trung Quốc đang quy định giờ làm việc là 40 giờ/tuần và người lao động được nghỉ 21 ngày/năm. Trong đó có 1 tuần quốc khánh nên người dân được nghỉ nhưng nền kinh tế của nước ngày rất phát triển và không ngừng tăng trưởng.

Qua đó có thể thấy, không phải cứ tăng giờ làm việc của người lao động là kéo theo tăng trưởng kinh tế mà chúng ta cần nhìn rộng hơn ở góc độ quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ thay vì kỳ vọng quá nhiều về việc thay đổi năng suất lao động ở phía người làm thêm giờ.

“Hãy để người lao động minh mẫn, có sức khỏe khi đến công xưởng và hơn thế nữa, hãy quan tâm hơn đến yếu tố tương lai, sức khỏe của các thế hệ tiếp theo”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Nên giữ nguyên thời gian làm việc hiện hành

Đứng ở góc độ đại diện cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, bà Đào Thị Thu Huyền, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, đại diện công ty Canon băn khoăn về giờ làm thêm vì thời điểm “vàng” để Việt Nam thu hút FDI với lợi thế nhân công rẻ, lao động dồi dào đã qua. Điểm duy nhất còn lại để thu hút FDI vào Việt Nam là yếu tố chăm chỉ và ý chí.

Nếu dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đồng thuận theo hướng giảm giờ làm việc xuống còn 44 giờ và không nới rộng làm thêm giờ thì việc tuyển lao động hiện nay vốn đã khó khăn, sẽ còn khó khăn hơn.

Với bối cảnh doanh nghiệp có đơn hàng nhiều, người lao động đang ở thế sẵn sàng bỏ việc nên chủ sở hữu rất khó tuyển lao động thay thế.

giam gio lam viec cho nguoi lao dong nhu the nao la phu hop? hinh 3
Bà Đào Thị Thu Huyền, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, đại diện công ty Canon (áo trắng) băn khoăn về việc giảm giờ làm việc cho người lao động.

Bà Thu Huyền cũng cảnh báo, trong bối cảnh Việt Nam đang mất dần thế cạnh tranh về nguồn nhân công, ngành công nghiệp hỗ trợ công việc không phát triển thì các sửa đổi trong dự luật rất bất lợi cho chính người lao động. Mặt khác, doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng dịch chuyển sản xuất sang một đất nước khác ở khu vực có thế cạnh tranh với Việt Nam.

Bà Đào Thị Thu Huyền kiến nghị, nếu không được phép nới thời gian làm thêm thì ít nhất cần giữ nguyên quy định hiện hành là 48 giờ, tăng giờ làm thêm từ 200 giờ lên 300 giờ/năm trên cơ sở người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Cần nới thời gian làm thêm với ngành nghề mang tính thời vụ

Đề cập làm việc theo thời vụ, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI nêu quan điểm, trong số các nước trong khu vực ASEAN như: Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Lào và Campuchia thì chỉ có 2 nước là Indonesia, Singapore là có giờ làm việc 44 giờ/tuần. Còn lại tất cả các nước đều làm việc 48 giờ/tuần.

Khi so sánh với năng lực cạnh tranh của các nước trong khu vực về hàng hóa, xuất khẩu, chúng ta cần cân nhắc giảm giờ làm việc.

Trong thời gian qua, chúng ta chưa để ý đến việc làm theo thời vụ. Nhiều doanh nghiệp gia công xuất khẩu như: thủy sản, da giầy, dệt may hay những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như ngành điện tử đều thực hiện việc làm thời vụ. Họ huy động lao động làm việc thêm giờ phục vụ cho thị trường Noel, thủy sản...
Thực tế là những doanh nghiệp này không huy động làm thêm giờ trong cả năm mà theo thời vụ.

Tuy nhiên, trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) lại quy định, lao động chỉ được làm thêm 4 giờ/ngày; 30 giờ/tháng nên sẽ ảnh hưởng tới những doanh nghiệp sản xuất, gia công thời vụ các ngành có kim ngạch xuất khẩu cao.

Vì vậy, cần nới khung thời gian làm thêm với những ngành nghề mang tính thời vụ có kim ngạch xuất khẩu cao, thay vì quy định mức trần chung về làm thêm theo tháng, theo tuần./.

Theo "Bích Lan/VOV.VN"