Tăng cả cơ hội việc làm lẫn sự khắt khe

  • 16/08/2019
  • 3852

Những cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) sẽ có những tác động trực tiếp đến lao động việc làm. Việc làm sẽ tăng nhiều trong các ngành chế biến, tiền lương tăng nhiều hơn trong các doanh nghiệp có xuất khẩu và doanh nghiệp FDI…

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo quốc tế về các xu hướng việc làm và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Chất lượng lao động còn thấp

Thông tin về các vấn đề lao động, việc làm và thị trường lao động, bà Cao Thanh Thủy- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam tính đến quý I/2019 là 55,4 triệu người, trong đó ước tính 54,3 triệu người có việc làm.

tang ca co hoi viec lam lan su khat khe
Quang cảnh hội thảo

 

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Việt Nam đang tăng dần theo các năm; từ 53% năm 2016 lên 56,1% năm 2017 và 58,6% năm 2018. Phát triển nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động luôn được Chính phủ Việt Nam coi là tiền đề quan trọng để sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, góp phần tích cực vào việc hình thành thể chế kinh tế thị trường, đồng thời tận dụng lợi thế để phát triển, tiến kịp khu vực và thế giới.

"Để phát triển thị trường lao động, trong những năm qua, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, trong đó chú trọng kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng và tay nghề cho người lao động", bà Thủy nhấn mạnh.

Theo dự báo, giai đoạn 2021 - 2025, các FTA thế hệ mới sẽ có tác động rất lớn tới thị trường lao động của Việt Nam. Cụ thể, EVFTA sẽ đưa đến cho Việt Nam hơn 8 nghìn việc làm/năm; CPTPP sẽ đưa đến 7 - 12 nghìn việc làm/năm. Trong đó, việc làm sẽ tăng nhiều trong các ngành chế biến, sử dụng nhiều lao động.

Tiền lương tăng nhiều hơn trong các doanh nghiệp có xuất khẩu và doanh nghiệp FDI. Mặc dù thể chế, khuôn khổ luật pháp về lao động, việc làm và phát triển kỹ năng của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, điều chỉnh toàn bộ lực lượng lao động, tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, một số nội dung chưa phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế và các công ước quốc tế về quyền lao động như về công đoàn, về đối thoại xã hội và thương lượng tập thể; đình công; phân biệt đối xử…

Một số điểm nổi bật của thị trường lao động Việt Nam thời gian vừa qua bao gồm việc chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động tăng dần. Tỉ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 76%.

Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp. Số lao động làm việc nước ngoài theo hợp đồng cũng tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan, thị trường lao động, việc làm và nguồn nhân lực của Việt Nam cũng vẫn tồn tại những hạn chế cần phải khắc phục như: Cơ cấu lao động của Việt Nam còn khá lạc hậu, về cơ bản Việt Nam vẫn là thị trường nhiều lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng cung lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý; vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật; đặc biệt, số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn còn cao… Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức kỹ năng cho nguồn nhân lực tương lai trong bối cảnh hội nhập, các giải pháp hợp tác nhằm kết nối cung - cầu lao động hiệu quả hơn là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thúc đẩy đào tạo kỹ năng mới

Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội cho biết, các cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới rất chặt chẽ, đòi hỏi các thành viên tham gia phải tuân thủ với mức độ cao. Tại Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có 2 cam kết về lao động là Điều 19.3 về quyền lao động và Điều 19.6 về lao động cưỡng bức hoặc ép buộc.

Tại Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Điều 3 Chương 15 về thương mại và phát triển bền vững cũng nhấn mạnh việc thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam và EU đã cam kết với tư cách là thành viên của ILO và tuyên bố 1998 của ILO về nguyên tắc và quyền cơ bản về lao động.

Theo dự báo, giai đoạn 2021 - 2025, các FTA thế hệ mới sẽ có tác động rất lớn tới thị trường lao động của Việt Nam. Cụ thể, EVFTA sẽ đưa đến cho Việt Nam hơn 8 nghìn việc làm/năm; CPTPP sẽ đưa đến 7 - 12 nghìn việc làm/năm. Trong đó, việc làm sẽ tăng nhiều trong các ngành chế biến, sử dụng nhiều lao động. Tiền lương tăng nhiều hơn trong các doanh nghiệp có xuất khẩu và doanh nghiệp FDI.

Mặc dù thể chế, khung khổ luật pháp về lao động, việc làm và phát triển kỹ năng của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, điều chỉnh toàn bộ lực lượng lao động, tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, một số nội dung chưa phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế và các công ước quốc tế về quyền lao động như về công đoàn, về đối thoại xã hội và thương lượng tập thể; đình công; phân biệt đối xử…

Trong bối cảnh đó, ông Đào Công Hải - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường việc làm ngày càng phân hóa theo 2 hướng: Kỹ năng thấp, lương thấp và kỹ năng cao, lương cao. Nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm.

Nhóm lao động kỹ năng trung bình bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt với những công việc có tính lặp lại dễ bị thay thế bởi tự động hóa và trợ lý ảo. Do đó, người lao động Việt Nam ngoài kỹ năng nghề nghiệp cần được trang bị nhiều hơn những kỹ năng và trình độ như ứng dụng công nghệ thông tin; giao tiếp hiệu quả; lắng nghe tích cực; tư duy phê phán; khả năng nhận thức có tính sáng tạo…

Ngoài ra, theo ông Đào Quang Vinh, năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế, cần sửa đổi hệ thống luật pháp lao động, việc làm phù hợp với các cam kết trong các FTA, trước hết là phù hợp với các công ước cơ bản của ILO. Đồng thời, phải đổi mới có tính cách mạng về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả công lao động; gắn sử dụng, đánh giá với đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi; xây dựng chương trình việc làm cho người cao tuổi.

Cũng tại hội thảo, ông Đỗ Đức Tùng - Trưởng phòng phát triển kinh doanh, Manpower Group Việt Nam cho biết, theo khảo sát của tập đoàn này tại 19.000 doanh nghiệp trên 44 quốc gia thì có 41% các công ty có kế hoạch tự động hóa một số tác vụ trong 2 năm tới; 27% doanh nghiệp cho rằng ứng viên thiếu kỹ năng chuyên môn hoặc kỹ năng mềm cần thiết để đảm nhận vị trí cần tuyển.

Về xu hướng làm việc mới, ông Tùng cho biết, có 45% người đi làm trên toàn thế giới mong muốn một công việc không phải đi làm toàn thời gian. Có 3 hình thức làm việc mới được ứng viên toàn cầu ưa chuộng nhất là làm việc bán thời gian; làm việc theo hợp đồng; làm việc theo dự án. Để thu hút nhân tài trong kỷ nguyên số, các nhà tuyển dụng đang nâng cấp kỹ năng cho lực lượng lao động của mình. Theo đó, các nhà tuyển dụng cần tăng sự linh hoạt trong công việc cho các vị trí toàn thời gian; ưu tiên nâng cấp kỹ năng và tạo điều kiện phát triển nhân viên…

Theo http://laodongthudo.vn