GÓP Ý BỘ LUẬT LAO ĐỘNG: Phân định rõ trợ cấp mất việc và trợ cấp thôi việc

  • 06/08/2019
  • 4828

Thôi việc, mất việc, trợ cấp thôi việc (TCTV), trợ cấp mất việc (TCMV) là các thuật ngữ được sử dụng trong Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 và cả trong dự thảo BLLĐ (sửa đổi).

Thôi việc và mất việc giống nhau ở chỗ cùng thể hiện tình trạng người lao động (NLĐ) không tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động (NSDLĐ). Tuy nhiên, thôi việc chỉ tình trạng NLĐ chủ động xin nghỉ việc, còn mất việc chỉ tình huống NLĐ mất việc một cách bị động vì một lý do nào đó xuất phát từ phía NSDLĐ. Do vậy, mức chi trả TCTV và TCMV cũng khác nhau nhằm tránh thiệt thòi quyền lợi cho NLĐ. Cụ thể, theo quy định tại điều 48 và 49 BLLĐ năm 2012, điều 46 và 47 dự thảo BLLĐ (sửa đổi), NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên khi thôi việc, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Còn khi thuộc trường hợp bị mất việc làm (do NSDLĐ thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế làm ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia - tách doanh nghiệp, hợp tác xã) thì NLĐ đã làm việc thường xuyên cho NSDLĐ từ 12 tháng trở lên sẽ được trả 1 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính TCTV và TCMV là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được chi trả TCTV.

GÓP Ý BỘ LUẬT LAO ĐỘNG: Phân định rõ trợ cấp mất việc và trợ cấp thôi việc - Ảnh 1.

Cần phân định rõ trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc để bảo đảm quyền lợi cho người lao động

Chính quy định về thời gian tính TCTV và TCMV là nguyên nhân phát sinh tranh chấp lao động. Bởi với cách tính này, NLĐ có thời gian làm việc từ ngày 1-1-2009 trở về sau và có tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị mất việc cũng không được hưởng TCMV và chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, giống như trường hợp thôi việc. Điều này là bất hợp lý, gây thiệt hại về quyền lợi đối với NLĐ, đồng thời tạo điều kiện cho NSDLĐ kiếm cớ thay đổi cơ cấu, công nghệ để cho NLĐ nghỉ việc một cách vô tội vạ vì họ chẳng bị thiệt hại gì về kinh tế.

Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm quy định tại điều 47 dự thảo BLLĐ (sửa đổi) về TCMV là: "Ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì cứ mỗi năm làm việc, NLĐ được trả thêm nửa tháng tiền lương cho khoảng thời gian có tham gia bảo hiểm thất nghiệp" để NSDLĐ có trách nhiệm với NLĐ cũng như chung tay với nhà nước trong việc tạo việc làm và bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

Nguyễn Thị Phi Vân (quận Tân Bình, TP HCM) (nguồn nld.com.vn)