Chọn trường theo năng lực

  • 25/07/2019
  • 3796

GD&TĐ - Thời điểm này, các trường đại học, cao đẳng đang tăng tốc tuyển sinh. Chọn ngành hay chọn trường là băn khoăn của nhiều bạn trẻ. Đặc biệt, với những thí sinh có điểm thi không cao, đây chính là lúc cần cân nhắc - chọn trường “top” đầu hay chọn ngành yêu thích?

Chọn ngành phù hợp với xu hướng nhân lực xã hội

Vẫn còn không ít thí sinh quyết định nguyện vọng ngành học theo trào lưu, mang “tâm lý đám đông”, vì nghe bạn bè nói đó là ngành “hot”… Hệ quả là nhiều bạn bỏ ngành học, bỏ nghề nghiệp sau một vài năm… chỉ vì chọn ngành – nghề không đúng với đam mê, sở trường của mình.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho rằng: Vấn đề chọn ngành hay chọn trường đã được bàn luận ở nhiều diễn đàn, qua nhiều năm, với nhiều quan điểm khác nhau… Tuy nhiên, một cách phổ quát nhất, các chuyên gia tư vấn về tuyển sinh trong và ngoài nước thường nêu ra một số nguyên tắc căn bản trong việc xác định ngành học và trường đào tạo. Trong số 6 - 7 nguyên tắc căn cốt của cẩm nang chọn ngành - chọn trường, người ta thường nhắc đến 2 nguyên tắc căn cốt nhất: Thứ nhất, đăng ký ngành học mình yêu thích nhất; Thứ nhì, quyết định học ngành đó ở trường/cơ sở đào tạo nào…

GS.TS Hoàng Anh Tuấn phân tích, trước thời khắc quan trọng của việc quyết định đăng ký ngành học, các em nên lựa chọn ngành học mà mình yêu thích nhất và có khả năng phát triển tốt nhất.

 Từ trải nghiệm chọn trường của bản thân hơn hai thập niên trước, bằng kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học trong những năm qua, từ sự phân tích mang tính chuyên gia của nhiều cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước… tôi cho rằng chọn ngành là quan trọng; sau khi chọn được ngành mà mình yêu thích, các em tính toán chọn cơ sở đào tạo nào mình tin tưởng là tốt nhất để bắt đầu hành trình học tập và lập nghiệp của mình. 

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Hiện nay, mỗi ngành học thường được nhiều trường tổ chức đào tạo. Ví dụ: Ngành Công tác xã hội được đào tạo tại các trường: Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Công đoàn, Trường Đại học Thăng Long…

Tất cả các chương trình này đều được Nhà nước ban hành và kiểm định chất lượng nên văn bằng sau này đều có giá trị pháp lý, giá trị sử dụng ngang nhau. Điều quan trọng là các em yêu thích môi trường học tập nào thì nên đăng ký nguyện vọng vào ngành Công tác xã hội của trường đó để có môi trường học tập ưng ý nhất; bởi có sự hài lòng về môi trường học tập thì kết quả sẽ tốt hơn, kiến thức, kỹ năng, thái độ học tập tích cực là rất quan trọng để lập nghiệp sau khi ra trường…

 Tìm hiểu thông tin tuyển sinh. Ảnh minh họa/ Internet

Ngoài ra, việc chọn ngành cũng cần được cân nhắc, phân tích về khả năng phát triển của ngành – nghề đó trong tương lai. Hiện nay, có ngành đang thừa nhân lực, có ngành khát nhân lực, vì vậy các em nên tham khảo các ý kiến chuyên gia và tự tìm hiểu để chọn ngành cho phù hợp với xu hướng nhân lực xã hội.

Không nhất thiết phải chọn trường “hot”

ThS Bùi Thanh Bình, Phòng Quản lý đào tạo, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, một trong những yếu tố quan trọng để thành công trong công việc, trong cuộc sống của mình là chọn được nghề gắn với đam mê. Thí sinh nên lựa chọn ngành, không nhất thiết phải chọn trường “hot”. Mỗi bạn phải xem cái gì mình giỏi nhất để chọn ngành học theo năng lực cốt lõi của bản thân.

Các em nên xác định ngành mình học trước, sau đó chọn trường đại học phù hợp với khả năng của mình. “Khi đã chọn được nghề mình thích thì không nhất thiết là phải vào các trường đại học danh tiếng mà mình không có đủ khả năng, hoàn toàn có thể chọn trường tốt dưới thấp điểm hơn, nhưng phải nỗ lực, có ý chí phấn đấu, cộng với đam mê thì chúng ta hoàn toàn có thể tìm được một công việc tốt” – thầy Bình nói.

Theo thầy Bình, việc chọn ngành học trong trường cũng quan trọng không kém so với chọn trường.Tự biết khả năng, học lực thật của mình, đồng thời biết từ thực tế ấy mà chọn trường hay ngành học phù hợp với mình, đó là tư duy sáng nhất. Nó sẽ định hướng đúng đắn cho những bước tiếp sau của cuộc đời mình.

Một lưu ý năm nào cũng nhắc lại đó là không phải vào ĐH bằng mọi giá mà quan trọng là xác định được sở thích và năng lực của bản thân để chọn ngành nghề và bậc học phù hợp, có thể là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Đừng chỉ vì chữ ĐH mà cố chọn ngành không phù hợp, chọn ngành chạy theo thị hiếu sẽ lãng phí không chỉ thời gian, công sức, tiền của mà chính là cơ hội của bản thân...

                                                                                                                                                                                                                                                  Trịnh Huyền