TÌNH HÌNH THỰC HIỆN BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP 06 THÁNG ĐẦU NĂM 2019

  • 10/07/2019
  • 1831

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk báo cáo tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp 06 tháng đầu năm 2019 cụ thể:

I. TỔNG SỐ DOANH NGHIỆP, CƠ QUAN, TỔ CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN: 7.511 Đơn vị

Trong đó:

- Số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp: 5.078 đơn vị.

- Số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp: 4.037  đơn vị.

II. TỔNG SỐ  NGƯỜI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG, HỢP ĐỒNG LÀM VIỆC: 110.000 người.

Trong đó:

1. Số người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trên địa bàn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp: 101.759 người.

2. Số người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trên địa bàn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp: 86.326 người.

III. THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

  1. Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp:      3.530 người.

Trong đó: Số người ở địa phương khác nộp hồ sơ:             1.460 người.

2. Số người nộp hồ sơ nhưng không đủ điều kiện hưởng TCTN: 01 người.

          3. Số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp:         3.320 người.

          4. Số người bị hủy quyết định hưởng TCTN:                                35 người.

5. Số người chuyển nơi hưởng TCTN đi địa phương khác:        81 người.

          6. Số người tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp:                       64 người.

          7. Số người tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp:                             22 người.

          8. Số người chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:                    2.616 người.

          9. Số người có quyết định hỗ trợ học nghề:                                 74 người.

Trong đó: Số người đang hưởng TCTN được hỗ trợ học nghề:  74 người.

          10. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm:                         3.530 người.

          11. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp:                       45.747.762.802 đồng.

Trong đó: Số tiền hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là 303.000.000 đồng

12. Vấn đề tổ chức triển khai thực hiện:

Trong 6 tháng đầu năm 2019 Trung tâm tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết bảo hiểm thất nghiệp và đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp thông qua các hoạt động như: Phối hợp với phòng chức năng thuộc Sở Lao động – TB&XH, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động và các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ, công nhân người lao động tại Công ty TNHH MTV Cà phê 719 đóng trên địa bàn tỉnh.

Phát tài liệu, bàn giao sách “ Chỉ mục các quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp” và “ Sổ hướng dẫn nghiệp vụ bảo hiểm thất nghiệp” theo công văn số 1180a/CVL-BHTN của Cục việc làm; Thiết kế băng rôn, cờ phướn với những nội dung khẩu hiệu tuyên truyền sinh động để người lao động và người sử dụng nắm bắt thực hiện.

Tổ chức đi tư vấn, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động tại Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng 20 ở Xã Cư M’ta, huyện M’đrắk, tỉnh Đắk Lắk.

IV. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

1. Công tác thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2019, số lượng người lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong tỉnh tăng lên rõ rệt, cụ thể đã có 3.530 người nộp hồ sơ, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2018 (3.008 người). Người thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần là các công nhân, người lao động làm việc tại các Công ty Cà phê, cao su trên địa bàn tỉnh nguyên nhân chủ yếu là do sự mất giá của các mặt hàng nông sản và mức lương đóng bảo hiểm xã hội tăng cao gây áp lực cho người lao động và các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động và thu hẹp sản xuất. 

 Số người nộp hồ sơ tăng kéo theo số người có quyết định cũng tăng lên cụ thể đã có 3.320 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng hơn 21,3% so với cùng kỳ năm 2018 (2.737 người). Người hưởng trợ cấp thất nghiệp là nữ giới chiếm 55% (1.812 người) và nam giới 45% (1.508 người), trong đó cả nam và nữ có số lượng nhiều ở nhóm tuổi từ 25 đến 40 tuổi (2.254 người), chiếm 68% trên tổng số người có quyết định hưởng, điều này cho thấy số người trẻ tuổi thất nghiệp cao trong 6 tháng đầu năm 2019, đây cũng là nhóm tuổi thường xuyên có nhu cầu thay đổi biến động công việc.

Công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp được thực hiện một cách đồng bộ và có sự phối hợp tốt với cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh.

Nhìn chung công tác giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019 đảm bảo kịp thời, đúng chế độ và không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

2. Công tác tư vấn giới thiệu việc làm

  Trung tâm đã áp dụng nhiều biện pháp thiết thực để đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp trong suốt quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó luôn thường xuyên chú trọng công tác thu thập thông tin thị trường lao động và nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch việc làm để người thất nghiệp dễ dàng tiếp cận các thông tin về việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin và các mạng xã hội (Facebook, Email...). Thông qua việc tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp, người lao động sẽ tiếp cận một cách tốt nhất các thông tin và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp từ đó có lựa chọn phù hợp để nhanh chóng trở lại thị trường lao động.

Tính đến hết tháng 6 năm 2019 đã có 3.530 người được tư vấn việc làm đạt 100% trên tổng số người đến nộp hồ sơ. Trong đó, số người được giới thiệu việc làm mới là 551 người, chiếm 15,6% trên tổng số người được tư vấn.

3. Công tác hỗ trợ học nghề

Số lượng người được hỗ trợ học nghề trong 6 tháng đầu năm 2019 là 74 người chiếm 2.2% trên tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Công tác hỗ trợ học nghề tại Trung tâm luôn đảm bảo tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật.

4. Cấp thẻ bảo hiểm y tế

Luôn đảm bảo 100% người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo đúng quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể khám chữa bệnh và sớm trở lại thị trường lao động

5. Đối với chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động

Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh không có người sử dụng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động do một số nguyên nhân như: Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác theo quy định để được hưởng chế độ. Mặt khác, đây là một chế độ mới, quy định về điều kiện hưởng chế độ này khá chặt chẽ và hiếm khi xảy ra cũng là lý do người sử dụng lao động khó tiếp cận và đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ này.

6. Khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được Trung tâm cũng gặp phải một số khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cụ thể như sau:

Công tác tư vấn việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp luôn được quan tâm chú trọng, người lao động được tư vấn cụ thể để lựa chọn những công việc, ngành nghề phù hợp với bản thân. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà một số người lao động vẫn chưa thực sự mặn mà với những chính sách hỗ trợ này.

Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cấp user cho cán bộ nghiệp vụ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp của TTDVVL tuy nhiên về nội dung tra cứu thông tin còn rất sơ sài, không cung cấp đủ các thông tin hữu ích liên quan đến người lao động như: Bản quá trình đóng BHXH, BHTN của NLĐ; Các chế độ đã được hưởng của NLĐ trong quá trình công tác; tìm kiếm thông tin dựa trên số chứng minh nhân dân (tránh những người có 2 số sổ trở lên)…

Nhận thức của một số người lao động, người sử dụng lao động về chính sách BHTN còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia và hưởng BHTN. Hiện nay vấn đề trục lợi bảo hiểm, khai báo không trung thực đang có xu hướng gia tăng về số lượng tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, quy định xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Đối với các doanh nghiệp mặc dù đã có văn bản chỉ đạo đôn đốc thực hiện nhưng phần lớn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động với Trung tâm theo đúng quy định. Cụ thể số doanh nghiệp thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động 6 tháng đầu năm giảm còn 19 doanh nghiệp so với năm 2018 (68 doanh nghiệp).

V. GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ

Tăng cường khai thác, tìm kiếm thông tin thị trường lao động, các Cơ sở đào tạo nghề nhằm tư vấn, giới thiệu cho người thất nghiệp lựa chọn việc làm, học nghề phù hợp.

Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động nắm bắt, thực hiện kịp thời.

Kiến nghị các cơ quan cấp trên tiếp tục nghiên cứu sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời đổi mới phương thức quản lý thực thi pháp luật BHTN. Mặt khác, xây dựng hoàn thiện phần mềm bảo hiểm thất nghiệp theo hướng kết nối thông tin với cơ quan bảo hiểm xã hội để thuận tiện cho việc theo dõi và quản lý người lao động.

Kiến nghị Sở Lao động – Thương binh & Xã hội đôn đốc chỉ đạo các Đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh nghiêm túc thực hiện việc thông báo tình hình biến động lao động về Trung tâm Dịch vụ việc làm theo đúng quy định tại Điều 16, Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH;

Trên đây là báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk./.