Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Đưa luật gần hơn đời sống người lao động

  • 24/06/2019
  • 7081

Một số quy định về hợp đồng lao động, trợ cấp mất việc, thời giờ làm thêm trong dự thảo chưa hợp lý, gây thiệt thòi cho người lao động

Tại Hội nghị góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục có những chỉnh sửa, bổ sung dự thảo để tránh thiệt thòi cho người lao động (NLĐ) khi áp dụng trong thực tế.

Lương tăng ca cần lũy tiến

Xung quanh đề xuất nới khung giờ làm thêm của NLĐ lên 400 giờ/năm, nhiều cán bộ Công đoàn (CĐ) bày tỏ thái độ không đồng thuận. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch CĐ các Doanh nghiệp (DN) Công ích và Dịch vụ thương mại TP HCM, quy định làm thêm giờ nên giữ nguyên như hiện nay, thậm chí trong tương lai cần phải giảm. Bên cạnh đó, lương làm thêm giờ cần phải tăng theo lũy tiến. Thực tế với người sử dụng lao động (NSDLĐ), làm việc ngoài giờ chính thức có hiệu quả cao hơn so với tuyển nhân sự mới vào bộ máy. "Công việc thực tế có 100 nhân công, nếu DN tăng thêm chuyền sản xuất thì phải tuyển dụng thêm lao động. Nhưng nếu DN giữ nguyên số lao động hiện có và tăng giờ làm thêm thì ông chủ có lợi nhiều hơn công nhân (CN). Nếu đã tính toán tăng giờ làm thêm thì chủ DN phải trả tiền làm thêm giờ theo lũy tiến như một cách chia sẻ với NLĐ" - ông Minh phân tích.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Đưa luật gần hơn đời sống người lao động - Ảnh 1.

Phần lớn công nhân trực tiếp sản xuất không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu Ảnh: TRỰC NGÔN

Theo ông Dương Xuân Sơn, Chủ tịch CĐ Sở Giao thông Vận tải TP, quy định về trợ cấp mất việc hiện hành cũng như trong dự thảo thì NSDLĐ sẽ không có trách nhiệm gì mới đối với NLĐ. Theo đó, thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế trừ đi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đã trả trợ cấp thôi việc. "Tôi đề nghị trong lần sửa đổi luật lần này nên sửa đổi luôn quy định là khi mất việc, ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì cứ mỗi năm làm việc, NLĐ được trả thêm một khoản trợ cấp mất việc. Việc này là để gắn trách nhiệm của NSDLĐ, đặc biệt trong trường hợp NLĐ mất việc do lỗi của NSDLĐ như tái cơ cấu chẳng hạn. Ở đây, giữa mất việc và thôi việc có khoảng cách khá xa. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến mất việc không phải là do ở NLĐ, NLĐ bị động trong tình huống này" - ông Sơn bày tỏ.

Băn khoăn "hợp đồng miệng"

Theo ông Nguyễn Đình Rành - Tổ Tư vấn pháp luật LĐLĐ quận 7, TP HCM - Bộ Luật Lao động hiện nay quy định 2 hình thức giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) gồm: bằng lời nói và bằng văn bản. Tuy nhiên trong thực tế, những phát sinh vướng mắc đều nằm ở hình thức HĐLĐ bằng lời nói. Do vậy, cần thêm vào nguyên tắc trả lương đối với hình thức HĐLĐ bằng lời nói là trả lương trong ngày chứ không phải là theo tháng hoặc nửa tháng. "HĐLĐ bằng lời nói thì nên quy định trả lương theo ngày là hợp lý, chậm nhất là trả lương trong vòng 2 ngày. Chẳng hạn trong lĩnh vực xây dựng, NLĐ và cai thầu chủ yếu thỏa thuận miệng. Điều này khiến NLĐ rất dễ bị thiệt thòi mà không cách nào có thể can thiệp bảo vệ được. Nhiều cai thầu liên tục thất hứa trả lương nhưng NLĐ không biết kêu ai?" - ông Rành góp ý.

Cùng góp ý về HĐLĐ, ông Dương Văn Thuận, Hội Luật gia LĐLĐ TP HCM, nhận xét tại khoản 1 điều 29 dự thảo luật có nội dung về việc "chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ" bao gồm cả "thay đổi công việc hoặc địa điểm làm việc của NLĐ" là không hợp lý và tiềm ẩn rủi ro cho NLĐ nếu NSDLĐ lạm dụng. "Nếu đưa điều khoản này vào, chắc chắn chúng ta không thể bảo vệ NLĐ nếu NSDLĐ lợi dụng điều này để bất lợi cho NLĐ. Nếu giờ HĐLĐ giao kết làm việc tại quận 1 mà NLĐ bị chuyển lên Củ Chi hay Cần Giờ thì sao mà theo nổi. Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp NLĐ bị điều đi khắp nơi vì ý định không tốt của người chủ. Do vậy cần bỏ khoản 1 điều 29 dự thảo" - ông Thuận đề xuất.

Không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu

Đây là ý kiến của nhiều cán bộ CĐ tại Hội nghị góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do LĐLĐ TP HCM tổ chức sáng 19-6. Theo các đại biểu, hiện nay, chính sách của các DN là trẻ hóa nguồn nhân lực nên chủ yếu sử dụng lao động ở độ tuổi từ 18-23 và chỉ ký HĐLĐ xác định thời hạn với họ. "Trường hợp NLĐ được ký tiếp HĐLĐ không xác định thời hạn là rất hiếm hoi, mà nếu được ký thì cũng khó có khả năng đáp ứng với sự thay đổi công nghệ ngày càng nhiều của DN. Hơn nữa, với cường độ làm việc liên tục, ít có thời gian nghỉ ngơi như hiện tại, sức khỏe NLĐ giảm sút nên sẽ khó duy trì công việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu" - bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Electric Việt Nam, cho biết.

C.Hường - Báo người lao động