Những kinh nghiệm hay về giải quyết quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản

  • 06/06/2019
  • 5282

(LĐTĐ) Sáng 4/6, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cách thức phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và ông Young Mo Yoon - Chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam chủ trì hội thảo.

khong the thu hut dau tu bang moi gia khien nguoi lao dong dieu dung
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Dẫn số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bà Trần Thị Thanh Hà - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay, tính đến ngày 31/10/2018, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 6.760 tỷ đồng. Riêng đối với doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn, tính đến tháng 9/2018 là 2.270 doanh nghiệp với số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi khoảng 147 tỷ đồng; ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 17.728 người lao động.

Nhằm giải quyết một phần khó khăn trước mắt cho người lao động, các cấp Công đoàn đã kịp thời đi thăm và hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 14,107 tỷ đồng; tạm ứng tiền ngân sách Công đoàn đóng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động với tổng số tiền số tiền 1.368 tỷ đồng. Người lao động đã được thanh toán 98,879 tỷ đồng tiền nợ lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp.

Các cấp Công đoàn cũng đã làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản đối với 8 doanh nghiệp. Công đoàn khởi kiện tranh chấp lao động theo ủy quyền của người lao động và hỗ trợ người lao động làm đơn khởi kiện 1.407 vụ tranh chấp lao động cá nhân. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn đã kiến nghị UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo Bảo hiểm xã hội thực hiện chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động; tổ chức giới thiệu việc làm mới cho người lao động.

khong the thu hut dau tu bang moi gia khien nguoi lao dong dieu dung
Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị: Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Cục Thi hành án, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư, ILO, UBND và LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã chia sẻ thực trạng doanh nghiệp bỏ trốn và phá sản, cách thức giải quyết hiện nay; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phối hợp phòng ngừa và giải quyết vụ việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn và phá sản.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, thời gian qua, liên tiếp xảy ra các trường hợp doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn, trong mọi trường hợp, người lao động là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề, mất việc làm, không có thu nhập, không được đảm bảo chế độ bảo hiểm xã hội... Đáng buồn hơn và mất lớn hơn là mất niềm tin đối với chủ doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư kinh doanh nói chung. Để hỗ trợ một phần khó khăn cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Công đoàn các cấp đã phối hợp chính quyền địa phương giải quyết, đạt nhiều kết quả. Tuy vậy, hiện vẫn còn khoảng trống pháp lý và trách nhiệm trong giải quyết những vụ việc này. Đặc biệt, có trường hợp tổ chức Công đoàn nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, nhưng chính quyền kiên quyết không hỗ trợ.

Khẳng định dù các cấp Công đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho người lao động, song ông Hiểu chỉ rõ thực trạng vẫn còn khoảng trống về mặt pháp lý, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các chủ đầu tư. Theo đó, ông Ngọ Duy Hiểu đề xuất cần có giải pháp lựa chọn thu hút các nhà đầu tư; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên địa bàn để sớm phát hiện các trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn. “Không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá bởi doanh nghiệp có ý đồ không tốt trong đầu tư có thể coi Việt Nam là môi trường kinh doanh dễ dãi để thực hiện hành vi trốn thuế, lừa đảo người lao động”, ông Hiểu nhấn mạnh.

Từ thực tế hiện nay, tại kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, đăng đàn tại Quốc hội, ông Ngọ Duy Hiểu đã đề xuất cần xem xét sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh trong thời gian tới, trong đó cần bổ sung quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

B.D - Báo Lao động Thủ đô